Trong một thông báo đưa ra ngày 26/12, Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký phê chuẩn một học thuyết quân sự mới. Theo đó, một điểm rất đáng chú ý trong học thuyết lần này là đề cập nhiều hơn tới những mối đe dọa quân sự từ bên ngoài. Tuy nhiên, Hội đồng An ninh LB Nga khẳng định Học thuyết quân sự 2014 vẫn mang tính chất phòng thủ, trong đó nhấn mạnh Nga chỉ buộc phải sử dụng sức mạnh quân sự khi không còn giải pháp ngoại giao.
Để làm rõ sự kiện rất đáng chú ý này, Bản tin 19h ngày 27/12 đã kết nối trực tiếp với phóng viên Duy Nghĩa - thường trú Đài THVN tại LB Nga và PV Lê Hồng Quang - thường trú Đài THVN tại châu Âu.
Thưa anh Duy Nghĩa, anh có thể cho biết rõ hơn về những điểm mới trong Học thuyết quân sự mà Tổng thống Putin vừa phê chuẩn?
PV Duy Nghĩa: Giống như Học thuyết năm 2010, học thuyết quân sự lần này cũng vẫn mang bản chất phòng thủ, tức là Nga sẽ chỉ sử dụng sức mạnh quân sự khi hoàn toàn không còn các khả năng sử dụng các biện pháp khác.
Học thuyết mới lần đầu tiên đã đề cập tới khả năng răn đe phi hạt nhân. Đó là tổ hợp các biện pháp đối ngoại, quân sự và kỹ thuật quân sự nhằm ngăn chặn chống LB Nga bằng các phương tiện phi hạt nhân. Khái niệm này nhằm đối phó với khái niệm "quyền lực mềm" của Mỹ.
LB Nga có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân đối phó với việc sử dụng vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt khác chống Nga và các đồng minh của mình, cũng như trong trường hợp vũ khí thông thường được sử dụng để xâm lược LB Nga, khi có mối đe dọa tới sự tồn tại của nhà nước Nga. Đồng thời, Nga cũng thấy cần thiết phải sở hữu tiềm năng hạt nhân để có khả năng đảm bảo chắc chắn gây ra tổn thất cho bất kể kẻ xâm lược nào trong mọi hoàn cảnh, còn vũ khí hạt nhân được xem là yếu tố đáp trả sự xâm lược, đảm bảo an ninh quân sự và đồng minh của Nga, duy trì bình ổn quốc tế.
Phiên bản mới học thuyết quân sự Nga cũng khẳng định tranh chấp lãnh thổ, can thiệp vào công việc nội bộ của Nga và đồng minh cũng được coi là hiểm hoạ chiến tranh.
Như vậy là điểm không mới của học thuyết quân sự Nga là Nga tiếp tục khẳng định tính chất phòng thủ của các hoạt động quân sự của Nga, nhất quán với những tuyên bố gần đây của Moskva. Tuy nhiên, học thuyết này rõ ràng vẫn có những điểm mới bày tỏ lo ngại về các thách thức an ninh mới, nhất là những mối đe dọa sát với biên giới nước Nga. Vậy thưa anh Lê Hồng Quang, NATO đã phản ứng như thế nào trước học thuyết quân sự mới của Nga ?
PV Lê Hồng Quang: Ngay sau khi Nga công bố học thuyết quân sự mới, tại Bruxelles, bà Oana Lungescu - Người phát ngôn của NATO đã cho biết quan điểm của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương. Nhưng bà Oana Lungescu chỉ nói một câu ngắn rằng: "NATO không phải là mối đe doạ với Nga cũng như với bất cứ quốc gia nào khác". Sau đó bà giải thích thêm "Các biện pháp mà NATO tiến hành nhằm đảm bảo an toàn cho các nước thành viên NATO là hoàn toàn có tính chất phòng thủ, tương xứng và phù hợp với luật pháp quốc tế ".
Ngoài những phát ngôn trên, bà Oana Lungescu đã không có bình luận gì thêm về các chi tiết trong học thuyết quân sự mới của Nga.
Như vậy là theo NATO thì NATO cho là không phải là mối đe dọa với Nga, vậy nhìn từ Nga thì sao thưa anh Duy Nghĩa?
PV Duy Nghĩa: Về quan điểm của phía Nga, Nga bày tỏ lo ngại rằng NATO đang tăng cường tiềm năng sức mạnh, triển khai các cơ sở hạ tầng quân sự của mình sát biên giới LB Nga, trong đó có việc tiếp tục mở rộng khối này thông qua việc triển khai binh sĩ nước ngoài trên lãnh thổ các nước có chung biên giới với LB Nga.
Rõ ràng người Nga không thích thú gì khi có quân đội NATO tại các nước nằm ngay gần Nga là Estonia, Latvia, Litva, Ba lan, Slovakia, Rumani và Bulgari. Cả 7 quốc gia này đều là thành viên của NATO, trong đó có Estonia và Latvia nằm cách Moskva chỉ có 600 km.
Nói một cách ngắn gọn là tình hình hiện nay xuất hiện các vấn đề mà Nga cho là hiểm hoạ chiến tranh, đe dọa an ninh quốc gia của Nga.
Xin cảm ơn anh Duy Nghĩa và anh Lê Hồng Quang.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.