Quyết định này nhằm củng cố nền tảng cơ sở của Nga phục vụ các chương trình vũ trụ trong tương lai.
Tổng thống Putin khẳng định, Nga sẽ tiếp tục khám phá không gian, điều này là cần thiết cho sự phát triển của khoa học, kinh tế và đảm bảo an ninh quốc gia. Ông cho rằng, trạm quỹ đạo của Nga sẽ trở thành tiền đồn của đất nước trong không gian. Phía Nga cũng dự kiến mở rộng nhóm vệ tinh bay trên quỹ đạo của mình lên 1.000 vệ tinh vào năm 2030. Để làm được điều này Nga cần sản xuất 200-250 vệ tinh mỗi năm.
Trước đó, Cơ quan Vũ trụ liên bang Roscosmos từng giới thiệu mô hình thay thế Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), có tên gọi Trạm dịch vụ quỹ đạo (ROSS) của Nga với các chức năng được tự động hóa và phi hành gia có thể đến đây để bảo dưỡng và thay thế thiết bị. Ưu thế của ROSS là kiến trúc modun có thể biến đổi, có thời gian phục vụ dài hơn, sử dụng để lắp ráp một hệ thống thám hiểm liên hành tinh.
Khác với Trạm quốc tế ISS, Trạm vũ trụ của Nga sẽ đi theo một quỹ đạo khác, đó là quỹ đạo cực, nơi có khả năng bao quát toàn bộ lãnh thổ Nga, bao quát các vĩ độ phía Bắc.
Theo tuyên bố mới nhất của Cơ quan Vũ trụ Roscosmos, Nga có kế hoạch rút khỏi Trạm vũ trụ Quốc tế vào năm 2028. Nga sẽ tập trung xây dựng trạm quỹ đạo của riêng mình, và đây sẽ là ưu tiên của Moscow trong chương trình phát triển không gian.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!