Ông Musab Msallem - người đứng đầu Bộ phận Công nghệ thông tin tại Ngân hàng Trung ương Libya - "đã bị một nhóm người không xác định bắt cóc khỏi nhà sáng nay" - tuyên bố cho biết.
Ngân hàng Trung ương Libya thông báo ngân hàng này sẽ "không tiếp tục hoạt động" cho đến khi ông Msallem được thả, đồng thời nói thêm rằng các giám đốc điều hành khác cũng đã bị "đe dọa bắt cóc". Ngân hàng kêu gọi "chấm dứt những hành vi này" và đổ lỗi cho "các nhóm hoạt động phi pháp đe dọa đến sự an toàn của nhân viên ngân hàng và tính liên tục của hoạt động trong ngành ngân hàng".
Ngân hàng Trung ương Libya không cung cấp thêm thông tin chi tiết về vụ bắt cóc.
Vụ bắt cóc diễn ra hôm 18/8, một tuần sau khi những người đàn ông có vũ trang bao vây trụ sở chính của Ngân hàng Trung ương Libya tại Tripoli. Phương tiện truyền thông địa phương cho biết đây là một nỗ lực nhằm buộc Thống đốc ngân hàng Libya - ông Seddik al-Kabir - phải từ chức.
Nhà ngoại giao Mỹ và đặc phái viên tại Libya - Richard Norland - cho biết những nỗ lực nhằm lật đổ Thống đốc Kabir là "không thể chấp nhận được", đồng thời cảnh báo rằng việc thay thế ông Kabir "bằng vũ lực có thể khiến Libya mất quyền tiếp cận thị trường tài chính quốc tế".
Ông Norland cho biết trong một bài đăng trên nền tảng mạng xã hội X rằng cuộc đối đầu ở Tripoli "làm nổi bật những rủi ro đang diễn ra do tình trạng bế tắc chính trị ở Libya".
Sau cuộc bao vây Ngân hàng Trung ương Libya, phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Libya cho biết ngân hàng này đóng vai trò quan trọng trong sự ổn định tài chính của Tripoli.
Nhậm chức từ năm 2012, Thổng đốc Kabir đã phải đối mặt với nhiều chỉ trích về việc quản lý các nguồn tài nguyên dầu mỏ của Libya và ngân sách nhà nước, bao gồm cả từ những nhân vật thân cận với Thủ tướng Abdulhamid Dbeibah.
Là nơi sinh sống của 6,8 triệu người, Libya đã phải vật lộn để phục hồi sau nhiều năm xung đột sau khi người dân nước này nổi dậy vào năm 2011 và lật đổ nhà độc tài lâu năm Muammar Gaddafi.
Hiện Libya vẫn bị chia rẽ giữa một chính phủ được Liên hợp quốc công nhận có trụ sở tại Tripoli, do Thủ tướng Dbeibah lãnh đạo và một chính quyền đối địch ở phía Đông, được hậu thuẫn bởi Tướng Khalifa Haftar.
Mặc dù sự bình yên tương đối đã trở lại trong những năm gần đây, các cuộc đụng độ vẫn thỉnh thoảng nổ ra giữa vô số nhóm vũ trang của Libya. Vụ bắt cóc hôm 18/8 xảy ra sau một thời gian yên bình hơn, trong đó mối lo về tình trạng leo thang trên diện rộng hơn đã gia tăng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!