Trong tuần qua, các nước giàu đã thể hiện rõ hơn một xu hướng đi xa đến mức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vốn khá thận trọng trong việc chỉ trích các nước thành viên cụ thể, đã phải lên án trực diện một cách gay gắt. Đó là trong khi dịch COVID-19 đang hoành hành dữ dội ở những nước có tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 còn thấp, một số nước thu nhập cao đã tiêm đầy đủ 2 mũi cho đa phần dân số lại bắt đầu triển khai tiêm mũi vaccine thứ 3, còn gọi là mũi tiêm tăng cường.
Nghịch lý nhiều nước còn tiêm chưa đủ mũi 1 mà đã có những nước dự định tiêm mũi củng cố đã khiến Tổng Giám đốc WHO phải "nắn gân" cả người mua và kẻ bán.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phát biểu: "Trong khi nhiều nước còn chưa triển khai được việc tiêm vaccine, có những nước đã tiêm cho đa số người dân và bắt đầu tiêm tiếp mũi thứ 3, mũi củng cố. Thật sự quá thất vọng. Không thể hiểu nổi. Các nước thu nhập cao lờ đi phần còn lại của thế giới, tạo điều kiện cho virus tiếp tục lây lan. Tôi xin lỗi phải nói điều này: Không có sự đoàn kết, vì ai cũng thấy đấy là do lòng tham".
Vaccine mũi củng cố và mũi đầu tiên đã chia thế giới thành hai phần đối nghịch. (Ảnh: AP)
WHO đã thẳng thừng chỉ ra rằng, các nhà sản xuất nên chuyển sự tập trung phục vụ mũi thứ 3 ở các nước giàu sang cung cấp vaccine cho chương trình chia sẻ vaccine COVAX, chủ yếu dành cho các nước có thu nhập trung bình và thấp.
Hiện Israel, nước đã có gần 60% dân số được tiêm đủ liều vaccine COVID-19, đang triển khai tiêm mũi vaccine thứ 3 cho những người có hệ miễn dịch yếu do lo ngại biến thể Delta.
Pháp cũng cho phép đăng ký tiêm mũi tăng cường từ tháng 8/2021.
Anh có kế hoạch triển khai tiêm mũi thứ 3 từ mùa thu.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, hiện mới chỉ có 1% người dân ở các quốc gia thu nhập thấp đã được tiêm vaccine. Đặc biệt, ở các nước châu Phi, có những nhân viên y tế thậm chí còn chưa được tiếp cận với vaccine dù ở tuyến đầu chống dịch.
Số người mắc và tử vong vì COVID-19 vẫn tăng lên hàng ngày ở những nước mà đa số người dân còn chưa được vaccine bảo vệ đầy đủ là thực tế đau lòng. Hiện trạng này cho thấy, thế giới mà chúng ta đang sống đã thực sự bị chia thành 2 nửa. Khu vực Đông Nam Á trong tuần qua vẫn tiếp tục đối mặt với làn sóng gia tăng mạnh số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19.
Indonesia có số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19/ngày cao kỷ lục. (Ảnh: AP)
Indonesia, quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á, đã thành tâm dịch số 1 của châu Á. Trong nhiều ngày liên tục, nước này ghi nhận số ca mắc lên tới hàng chục nghìn trường hợp, cao hơn 10 lần so với số ca hàng ngày được ghi nhận hồi tháng 6. Chỉ trong 1 tuần gần đây, số người tử vong vì COVID-19 ở Indonesia trong vòng 24 giờ qua đã tăng gấp đôi so với giai đoạn đầu tháng 7. Theo hãng truyền thông CNN, các nhà nghiên cứu đã công bố kết quả xét nghiệm cho thấy, gần một nửa dân số thủ đô Jakarta của Indonesia có thể đã có kháng thể với COVID-19, tức là đã mắc bệnh. 91,9% ca mắc COVID-19 tại Jakarta cũng chưa được phát hiện, trong đó hơn một nửa không có triệu chứng.
Con số ca bệnh tăng đến mức độ tàn phá hệ thống y tế Indonesia, khiến nước này bắt đầu bước vào giai đoạn đau thương khi nhiều người bệnh không thể nhập viện và mất tại nhà.
Còn ở Myanmar, người dân phải tự lo cho mình trong bối cảnh tình trạng thiếu oxy nghiêm trọng cướp đi sinh mạng của nhiều bệnh nhân. Những hàng dài người xếp hàng mòn mỏi chờ mua oxy cho người thân mắc COVID-19 đã trở thành hình ảnh thường xuyên ở Myanmar trong những ngày qua. Hệ thống y tế thiếu thốn khiến người dân phải tự lo cho mình trong làn sóng lây nhiễm lớn nhất ở nước này kể từ đầu đại dịch. Và chuyện gì phải đến đã đến, thực trạng khan hiếm oxy khiến nhiều bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà bị tử vong.
Con số thống kê chính thức cho thấy, Myanmar đã cán kỷ lục số người tử vong và mắc mới với 145 người không qua khỏi và 7.089 người mắc mới trong ngày 14/7. Tuy nhiên, thực tế tổng hợp từ báo cáo ở các địa phương cho thấy, các con số còn cao hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!