Ngày 5/9, tuyến đường dọc theo bờ biển Manche của Pháp phần trông sang nước Anh đã hoàn toàn tê liệt do người Pháp biểu tình ngay trên lòng đường cao tốc, đòi Chính phủ phải sớm dẹp khu trại tị nạn bất hợp pháp gần cảng Calais.
Calais là nơi có đường hầm xuyên biển và tuyến phà biển nối Pháp với Anh. Hàng ngàn người sống tạm bợ trong các khu lán ven biển, không chịu xin tị nạn tại Pháp mà chỉ mong trốn sang được nước Anh.
Người dân Calais đã quá ngán ngẩm trước dòng người tị nạn từ Pakistan, Afghanistan, Ethiopia, Sudan dồn tới đây. Lái xe tải, nông dân, tiểu thương, cư dân quanh vùng, nhân viên trong cảng biển, ai cũng có lý do riêng để bất bình với người tị nạn. Người tị nạn sống tạm bợ và bất hợp pháp trong các lều tạm sát cảng Calais. Con số này là bao nhiêu người? 6.900 hay 9.000? - Ngay cả cảnh sát Pháp cũng không biết chính xác.
Chính phủ Pháp kêu gọi họ xin quy chế tị nạn tại Pháp. Nhưng những người đã tới Calais chỉ muốn tị nạn tại Anh. Ra trình diện lấy dấu vân tay tại Pháp, sau này có tới được Anh cũng không thể xin tị nạn được nữa. Ban ngày, họ lang thang trong thành phố Calais tìm thức ăn hoặc ra ruộng tìm kiếm hoa màu, thậm chí trộm cắp vặt trong làng. Ban đêm, họ xếp lốp xe cũ và cành cây to ra đường, để xe tải đang trên đường sang Anh phải giảm tốc độ, rồi tìm cách rạch bạt chui vào trong thùng xe hoặc đu bám theo xe.
Người Pháp dần mất kiên nhẫn với những người tị nạn. Cuối tuần trước, Bộ trưởng Nội vụ Pháp đã hứa sẽ sớm san phẳng khu trại bất hợp pháp tại Calais, cùng một số biện pháp hỗ trợ người dân và trợ cấp thiệt hại cho doanh nghiệp trong vùng. Còn những người tị nạn, có bị cưỡng bức hồi hương hay sẽ bắt buộc phải tị nạn tại Pháp thì chưa thấy Bộ trưởng Nội vụ Pháp nói đến.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!