Hình minh họa "người rồng" khoảng 146.000 năm trước. (Ảnh: Chuang Zhao)
Các nghiên cứu gần đây cho biết, hộp sọ được bảo quản tốt, là hộp sọ người Homo longi lớn nhất được ghi nhận. Kết quả phân tích về hộp sọ cho thấy, "người rồng" có thể là loài có quan hệ họ hàng gần nhất với người Homo sapiens, thậm chí còn gần hơn cả người Neanderthal, những người từ lâu được cho là có quan hệ họ hàng gần nhất với chúng ta.
Tuy nhiên, cách giải thích này còn gây tranh cãi, dường như như hộp sọ này thuộc tộc người Denisovan (là tên của một loài người trước đây chưa được biết đến dựa trên một phân tích ADN xương).
Theo báo cáo, một người đàn ông Trung Quốc đã phát hiện ra hộp sọ này vào năm 1933 tại thành phố Cáp Nhĩ Tân, thuộc tỉnh Hắc Long Giang, miền Bắc Trung Quốc. Người này chuyên cung cấp lao động bản địa cho người Nhật Bản và quyết định không giao đầu lâu cho ông chủ người Nhật của mình. Thay vào đó, "ông chôn nó trong một cái giếng bỏ hoang, một phương pháp cất giấu tài sản quý giá truyền thống của người Trung Quốc", các nhà nghiên cứu cho biết.
Theo các nhà nghiên cứu, hộp sọ được chôn trong giếng trong 85 năm, tồn tại qua cuộc xâm lược của Nhật Bản, cuộc nội chiến, phong trào cộng sản và Cách mạng Văn hóa. Trước khi người đàn ông này qua đời, ông đã nói với người thân trong gia đình về việc này. Sau đó, họ đã tìm lại được hóa thạch đầu lâu vào năm 2018 và tặng nó cho Bảo tàng Khoa học Địa chất thuộc trường Đại học Hà Bắc.
Nhóm nghiên cứu chưa bao giờ nhìn thấy một hộp sọ như thế này trước đây. Ông Chris Stringer (đồng tác giải nghiên cứu, công tác tại Trung tâm Nghiên cứu tiến hóa con người tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London, Anh) cho biết: “Đầu lâu rất lớn, theo đó có thể chứa một bộ não lớn, có hình dáng dài, thấp và đường viền lông mày lớn trên mắt. Khuôn mặt, mũi và hàm của người đàn ông này rất to, đôi mắt cũng to. Tuy nhiên, khuôn mặt của người này ngắn với gò má thanh tú và nó được đưa ra phía sau như người hiện đại".
Các nhà khoa học tìm thấy vết lõm nhẹ trên đỉnh đầu của "người rồng", có thể là vết thương đã được chữa lành. Phân tích sâu hơn đã xác định rằng, hộp sọ có khả năng thuộc về một nam giới đã chết ở tuổi 50.
Theo ông Stringer, khi nghiên cứu hộp sọ, các nhà nghiên cứu đã xem xét hình dạng của nó một cách chi tiết, phân tích hơn 600 đặc điểm. Sau đó, nhóm nghiên cứu đã sử dụng một máy tính rất mạnh để xây dựng các chi người có liên quan đến những hóa thạch người tiền sử khác.
Kết quả giải phẫu hộp sọ và và một số hóa thạch khác từ Trung Quốc đã cho thấy, đây là chi thứ 3 của loài người cùng với người Neanderthal và Homo sapiensi. Cây phả hệ chỉ ra rằng, người Homo longi mới được phát hiện có quan hệ họ hàng gần với người Homo sapiens hơn là người Neanderthal. Nói cách khác, "người rồng" Homo longi "có chung tổ tiên gần đây với chúng ta hơn so với người Neanderthal".
Các nhà nghiên cứu cho biết, phân tích cây phả hệ cho thấy, tổ tiên chung của loài người với người Neanderthal có thể sống cách đây hơn 1 triệu năm, tức là sớm hơn khoảng 400.000 năm so với những gì các nhà khoa học nghĩ trước đây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!