Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh có kết nối Internet, cả thế giới đều nằm trong bàn tay bạn. Chính vì thế, báo giấy truyền thống đang đứng trước những sức ép to lớn.
Tại Italy, doanh số bán báo giấy truyền thống đã sụt giảm trong những năm gần đây, khiến nhiều sạp báo phải đóng cửa.
Anh Fabiano Pompei - chủ cửa hàng ở Rome, Italy - đang kéo tấm cửa sắt lên để bắt đầu ngày bán hàng mới. Mặt hàng anh bán chủ yếu giờ đây là sách chứ không phải là báo. Cửa hàng của anh trước đây từng là một sạp báo nằm ngay gần thánh đường John Lateran ở thủ đô Rome.
Gia đình anh đã bán báo ở đây từ năm 1948 và đây từng là một ngành kinh doanh phát đạt. Tuy nhiên, doanh số bán báo sụt giảm trong những năm gần đây, buộc anh Pompei cũng như hàng nghìn chủ sạp báo khác trên khắp cả nước phải đóng cửa hoặc chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác.
Anh Fabiano Pompei nói: "Khi doanh thu kém đi hoặc thậm chí là thua lỗ, chỉ có cách đóng cửa hàng hoặc kinh doanh cái khác dù trong lòng mình rất đau đớn. Đêm nào tôi cũng mơ về sạp báo của mình vì nó luôn nằm trong trái tim tôi".
Cơ quan thống kê của Italy ước tính 2/3 số sạp báo ở nước này đã đóng cửa trong 2 thập kỷ qua. Riêng trong 4 năm gần đây, 2.700 sạp báo đóng cửa và hiện chỉ còn khoảng 12.000 sạp vẫn còn hoạt động.
Tâm điểm của cuộc khủng hoảng này chính là sự sụt giảm doanh số bán báo, vốn chiếm phần lớn doanh thu của các sạp.
Nếu như trong năm 2004, khoảng 9,5 triệu tờ báo được bán ở các sạp mỗi ngày thì đến năm 2014, con số này giảm xuống còn 2,6 triệu và đến tháng 1 vừa qua, con số này chỉ còn là 950 nghìn.
Anh Stefano Di Persio - chủ sạp báo ở Rome - cho biết: "Doanh số bán báo đã giảm đi đáng kể. Theo dự đoán của tôi, trong vòng 20 năm nữa sẽ không còn báo in nữa. Thế hệ cha tôi đã qua rồi và có lẽ thế hệ tiếp theo sẽ không đọc báo giấy nữa".
Đối với nhiều người dân địa phương và cả các chủ sạp báo, những sạp báo xi măng này không chỉ đơn thuần là nơi bán báo mà còn là địa chỉ giúp gắn kết cộng đồng của họ lại với nhau, là nơi để bàn chuyện về chính trị, bóng đá và những vấn đề xã hội.
Anh Fabiano Pompei chia sẻ: "Đó không chỉ là việc mua báo mà đó còn là cách mọi người cởi mở, chia sẻ với nhau về mọi thứ. Mọi người đến đây không phải chỉ cầm tờ báo lên rồi rời đi mà họ thường dừng lại và tán gẫu vài ba câu chuyện. Chẳng hạn như hôm nay là thứ Hai, vào thời điểm này trước kia chúng tôi thường chỉ nói về bóng đá và thể thao".
Để ngăn chặn làn sóng đóng cửa các sạp báo, Chính phủ Italy đã đưa ra các ưu đãi trị giá lên tới 2.000 Euro trong năm nay cho mỗi chủ sạp báo. Tuy nhiên, với các chủ sạp báo, ưu đãi đó chỉ mang lại hiệu quả xoa dịu trong ngắn hạn mà không có tác dụng gì để giải quyết xu hướng dài hạn.
Ế ẩm như sạp báo vỉa hè thời số hóa VTV.vn - Các sạp báo không chỉ là món ăn tinh thần, mà còn là nguồn kiếm sống của nhiều người, nhưng sự ra đời của smartphone đã thay đổi số phận của những sạp báo này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!