Đoàn xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ qua làng Binnish, thuộc tỉnh Idlib, Syria. Ảnh: AP.
Tình hình Syria những ngày gần đây lại nóng lên. Chỉ trong 2 ngày qua, đã có 3 cuộc đụng độ giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và quân chính phủ Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố trong tuần trước đã có 300 xe tăng, xe quân sự tiến vào Idlib. Theo một tổ chức giám sát chiến tranh của Anh (The Syrian Observatory for Human Rights), con số thực tế lên tới hơn 1.200 xe.
Theo Thổ Nhĩ Kỳ, nguyên nhân là do Syria tấn công khiến 5 binh sĩ nước này thiệt mạng nên Thổ Nhĩ Kỳ đáp trả với việc công kích vào 100 mục tiêu của Syria ở khắp tỉnh Idlib. Syria khẳng định sự hiện diện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở đây là vi phạm chủ quyền. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng những phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ là tự vệ.
Hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria ban đầu liên quan tới việc thành lập 1 vùng đệm ở khu vực biên giới 2 nước để tái định cư cho những người tị nạn. Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã có thỏa thuận về điều này, giờ lại đụng độ ở một khu vực khác là Idlib.
Syria hiện nay về cơ bản đang bị chia ra làm 3, một phần lớn nhất thuộc về chính phủ của Tổng thống Al Assad. Một phần nhỏ hơn là của người Kurd. Một phần còn lại, chính là Idlib, được xem là cứ địa cuối cùng của các lực lượng đối lập chống lại Tổng thống Assad, nổi lên trong giai đoạn mùa xuân Arab năm 2011.
Tổng thống Assad từ lâu đã nung nấu phải nhổ bỏ cho được cái gai đối lập cuối cùng tại Idlib. Nhưng không ít lực lượng đối lập tại Idlib hiện nay lại thân Thổ Nhĩ Kỳ. Các lực lượng này được Thổ Nhĩ Kỳ xem là rất quan trọng, giúp giữ cho Idlib có thể trở thành vùng đệm, bảo vệ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ khỏi sự đe dọa của người Kurd tại Syria. Đây là lực lượng mà Ankara luôn xem là kẻ thù số 1.
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng lo ngại, nếu lực lượng của Tổng thống Al Assad tiến vào Idlib sẽ tạo một làn sóng tị nạn mới tràn vào quốc gia của mình. Thổ Nhĩ Kỳ hiện đã phải tiếp nhận khoảng 3,6 triệu người tị nạn Syria và với họ thì đó đã là quá sức chịu đựng.
Vậy khả năng dàn xếp thỏa thuận ra sao khi Nga đã lên tiếng tìm kiếm vai trò trung gian?
Thồ Nhĩ Kỳ và Nga đã và vẫn đang duy trì các thỏa thuận tại Syria. Nhưng Trung Đông từ lâu rồi, đã thấy sự hợp tác giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ mang đậm dấu ấn liên kết tạm thời của 2 đối tác "đồng sàng dị mộng". Cần phải thấy Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang hỗ trợ cho 2 phía đối lập tại Syria, 2 phía này về cơ bản không thể dung hòa lợi ích.
Vì thế, hiện nay, khi Mỹ rút dần khỏi Trung Đông, IS cũng đã bị mất hết cả lãnh thổ, các sợi dây lợi ích gắn kết Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria được cho đã lỏng lẻo đi rất nhiều. Điều Trung Đông lo ngại lúc này là nếu các cường quốc không thể được một tiếng nói chung tại Syria thì hoàn toàn có thể Syria lại rơi vào một cuộc chiến ủy nhiệm mới. Một cuộc chiến ủy nhiệm mới khi mà những tiến trình chính trị giải quyết cuộc nội chiến cũ còn chưa thể bắt đầu.
Điều này có nghĩa vòng xoáy bất ổn Syria sẽ không sớm kết thúc. Trong khi đó, những người dân vô tội lại là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất. Riêng trong tháng 1/2020, ước tính đã có 700.000 người ở Idlib lại tiếp tục phải đi sơ tán tránh bom đạn. Nội chiến Syria từng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến những thảm họa nhân đạo, khủng hoảng di cư ở khu vực và đến nay, những vấn đề này lại đang có nguy cơ trầm trọng hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!