Tháng 7 vừa qua không chỉ là tháng nóng nhất từng được ghi nhận trên trái đất, mà là tháng đầu tiên nhiệt độ trái đất tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp cuối thế kỷ 19. Các nhà khoa học đang gióng lên hồi chuông báo động về nguy cơ từ nhiệt độ trái đất tăng đối với hành tinh.
Nhiệt độ trung bình toàn cầu vào tháng 7 được ghi nhận là nóng nhất trong lịch sử, nóng hơn khoảng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp kết thúc vào giữa đến cuối những năm 1800. Đây là tháng mùa hè đầu tiên nhiệt độ vượt quá 1,5 độ so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Bà Samantha Burgess - Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của EU cho biết: "Nhiệt độ trung bình toàn cầu vào tháng 7 năm 2023 được xác nhận là cao nhất từng được ghi nhận. Nhiệt độ cao hơn khoảng 1,5 độ so với mức trung bình của thời kỳ tiền công nghiệp, các đợt nắng nóng xảy ra suốt tháng 7 ở nhiều khu vực trên thế giới. Nhiệt từ không khí chuyển sang cả nước biển, khiến nhiệt độ nước biển cũng tăng cao kỷ lục".
Ngưỡng 1,5 độ là rất quan trọng vì theo các nhà khoa học, vượt qua ngưỡng đó sẽ xảy ra các tình huống không thể lường trước và gây những hậu quả khủng khiếp cho hành tinh chúng ta như mực nước biển dâng cao, lũ lụt, hạn hán, cháy rừng và tình trạng thiếu lương thực và nước sẽ càng trở nên bất lợi hơn cho sự sống.
Hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với nhiệt độ thời kỳ tiền công nghiệp cũng là mục tiêu mà các nhà khoa học đã đặt ra trong Thỏa thuận Paris năm 2015 nhằm giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu.
Các nhà khoa học cảnh báo, nếu không có hành động ngay lập tức thì thế giới sẽ phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt hơn những gì phần lớn hành tinh đã trải qua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!