Lượng vũ khí châu Âu nhập khẩu tăng mạnh trong năm qua. (Ảnh: Euronews)
Đây là thông tin từ báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố ngày hôm nay.
Theo nghiên cứu trên, lượng vũ khí châu Âu nhập khẩu từ năm 2019 đến năm 2023 đã tăng 94% so với giai đoạn 5 năm trước đó.
Đặc biệt, sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga, Ukraine nổi lên là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất châu Âu và xét trong giai đoạn từ năm 2019 đến 2023, Ukraine là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ 4 thế giới.
Trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2023, lượng xuất khẩu vũ khí của Mỹ đã tăng 17%, trong khi lượng xuất khẩu vũ khí của Nga giảm 53%. Chỉ tính riêng trong năm 2023, lượng xuất khẩu vũ khí của Nga đã giảm 52% so với năm 2022.
Xuất khẩu vũ khí của Nga giảm đã giúp Pháp lần đầu tiên kể từ năm 1950 vươn lên trở thành quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ.
Chính sách mua sắm vũ khí của các quốc gia châu Âu phụ thuộc chủ yếu vào mối quan hệ với Mỹ (Ảnh: Euronews)
Sự gia tăng xuất khẩu vũ khí của Pháp phần lớn là do việc chuyển giao các máy bay chiến đấu cho Ấn Độ, Qatar và Ai Cập.
Giám đốc SIPRI Dan Smith giải thích trong một thông cáo báo chí: "Nhiều yếu tố hình thành nên quyết định nhập khẩu vũ khí từ Mỹ của các quốc gia NATO châu Âu, trong đó chủ yếu là xuất phát từ mục tiêu duy trì quan hệ xuyên Đại Tây Dương bên cạnh các vấn đề liên quan đến kỹ thuật, quân sự và chi phí. Chính sách mua sắm vũ khí của các quốc gia châu Âu trong những năm tới sẽ phụ thuộc vào mối quan hệ với Mỹ".
Cũng theo nghiên cứu của SIPRI, số lượng chuyển giao một số loại vũ khí lớn trên toàn cầu, như máy bay, tàu chiến, pháo, tên lửa đất đối không và xe tăng, giảm nhẹ 3,3% trong giai đoạn giữa năm 2014 - 2018 và 2019 - 2023.
Báo cáo cũng cho hay, Ấn Độ đã trở thành nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, với lượng vũ khí nhập khẩu tăng thêm 4,7% trong giai đoạn 2014 - 2018 và 2019 - 2023.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!