Nước nhiễm phóng xạ được chứa trong 1.000 bể chứa gần khu vực lò phản ứng hạt nhân đã bị hư hại ở Fukushima. (Ảnh: Getty)
Giấy chứng nhận của Cơ quan quản lý hạt nhân Nhật Bản là bước cuối cùng để bắt đầu quy trình xả thải.
Trước đó, hôm 4/7, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã kết luận, kế hoạch xả thải của Nhật Bản đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn quốc tế.
Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động xả thải từ tháng 8 tới với hơn một triệu tấn nước, đủ để lấp đầy 500 bể bơi Olympic. Số nước này được sử dụng để làm mát các lò phản ứng trong thảm họa hạt nhân vào năm 2011.
Trước kế hoạch xả thải của Nhật Bản, các nước láng giềng đã bày tỏ sự thận trọng.
Các bể nước thải có chứa phóng xạ đã qua xử lý tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản, ngày 8/1/2021. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)
Ngày 7/7, Chính phủ Hàn Quốc cho biết, nước này tôn trọng đánh giá của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) về kế hoạch của Nhật Bản xả nước thải nhiễm phóng xạ đã xử lý từ nhà máy Fukushima ra biển. Theo Hàn Quốc, nồng độ chất phóng xạ đạt tiêu chuẩn thải ra biển và kế hoạch này đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế bao gồm các tiêu chuẩn của IAEA.
Tuy nhiên, nhiều người dân Hàn Quốc vẫn giữ thái độ thận trọng. Các sản phẩm hải sản tại một chợ cá ở Hàn Quốc đã được tăng cường kiểm tra chất phóng xạ.
Bà Jin Wol-sun, tiểu thương ở chợ cá Noryang, nói: "Chúng tôi bán được ít hơn vì là mùa hè và còn vì nhiều khách lo ngại về nhiễm phóng xạ".
Trong khi đó, cũng trong ngày 7/7, Hải quan Trung Quốc thông báo, nước này cấm nhập khẩu thực phẩm từ 10 tỉnh của Nhật Bản, trong đó có Fukushima, vì lý do an toàn. Bắc Kinh sẽ liên tục kiểm tra chất phóng xạ để đảm bảo an toàn liên quan đến thực phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản.
Trung Quốc là nước nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Nhật Bản trong năm 2022, với kim ngạch nhập khẩu khoảng 600 triệu USD, chiếm 22,5% giá trị xuất khẩu hải sản của Nhật Bản.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!