Tên lửa H3 số 2 được phóng đi từ Trung tâm Vũ trụ Tanegeshima, mang theo một vệ tinh kiểm định và 2 vệ tinh chức năng siêu nhỏ.
Đây là nỗ lực thứ hai của Nhật Bản để đưa tên lửa H3 lên quỹ đạo. Trong chương trình phát sóng trực tiếp, các nhà khoa học đã vỗ tay và ôm nhau tại Trung tâm vũ trụ Tanegashima khi H3 phóng thành công.
Nhật Bản đặt mục tiêu phát triển thành công H3 để sử dụng cho mục đích phóng vệ tinh và tàu thăm dò và đưa hàng hóa lên Trạm Vũ trụ quốc tế. (Ảnh: Japan News)
Cơ quan Thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) và nhà thầu chính Mitsubishi Heavy Industries đã thiết kế H3 để thay thế H-IIA hoạt động được hai thập kỷ. H3 có chi phí chế tạo thấp hơn và khả năng tải trọng lớn, do đó được kỳ vọng sẽ giúp Nhật Bản thu hút khách hàng trong lĩnh vực hàng không vũ trụ trong tương lai. H3 dài 63m, tải trọng 6,5 tấn và chi phí mỗi lần phóng là khoảng 5 tỉ Yen (33 triệu USD). Để so sánh, H-IIA tiêu tốn khoảng 10 tỉ Yen cho mỗi lần phóng.
Trong vụ phóng đầu tiên diễn ra tháng 3/2023, chế độ tự hủy đã được kích hoạt sau ít phút tên lửa được phóng đi vì động cơ giai đoạn 2 của tên lửa hoạt động không như tính toán.
Tên lửa H3 là thế hệ tiếp nối của H2A. Nhật Bản đặt mục tiêu phát triển thành công H3 để sử dụng không chỉ cho mục đích phóng vệ tinh và tàu thăm dò, mà còn tham gia các nhiệm vụ đưa hàng hóa lên Trạm Vũ trụ quốc tế. Theo đó, Nhật Bản có kế hoạch phóng khoảng 20 vệ tinh và tàu thăm dò bằng tên lửa H3 vào năm 2030. H3 dự kiến sẽ cung cấp một tàu thám hiểm Mặt trăng cho dự án LUPEX chung giữa Nhật Bản và Ấn Độ vào năm 2025, cũng như chở hàng cho chương trình thám hiểm Mặt Trăng Artemis do Mỹ dẫn đầu vào năm 2025.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!