Nhật Bản tăng cường đầu tư dài hạn cho lĩnh vực chất bán dẫn

Thế giới hôm nay-Thứ ba, ngày 06/06/2023 06:09 GMT+7

VTV.vn - Mục tiêu của chiến lược này là đưa Nhật Bản trở thành trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu đối với các mặt hàng chiến lược, quan trọng như chất bán dẫn.

Giới chức Nhật Bản đang thúc đẩy dự thảo chiến lược mới nhằm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và kỹ thuật số. Dự thảo chiến lược mới nhằm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và kỹ thuật số được coi là cương lĩnh chính sách kinh tế chủ chốt hàng năm của Chính phủ Nhật Bản. Theo bản dự thảo, Nhật Bản sẽ tăng cường đầu tư dài hạn cho lĩnh vực chất bán dẫn và các mặt hàng chiến lược quan trọng khác để phát triển năng lực cung ứng và xuất khẩu. Tokyo cho rằng, bối cảnh cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như xung đột Nga - Ukraine đang làm gia tăng mức độ cấp thiết của việc xây dựng lại chuỗi cung ứng giữa các nước.

Ông Koike Atsuyoshi - Chủ tịch Công ty sản xuất chip Rapidus: "Trong phát triển chất bán dẫn tiên tiến, chúng ta đang bị chậm 10-20 năm. Đây là cơ hội cuối cùng để tận dụng các lợi thế sản xuất của đất nước để đóng góp cho thế giới".

Dự thảo chiến lược mới cũng xác định Nhật Bản sẽ dẫn dắt các cuộc thảo luận về xây dựng các quy định quốc tế đối với việc sử dụng và ban hành quy định với lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tạo sinh, đồng thời củng cố năng lực của Nhật Bản trong việc phát triển các công cụ trí tuệ nhân tạo.

Nhật Bản tăng cường đầu tư dài hạn cho lĩnh vực chất bán dẫn - Ảnh 1.

Thu hút các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào thị trường nội địa

Để thực hiện mục tiêu trở lại vị thế cường quốc số 1 thế giới trong lĩnh vực bán dẫn và vươn lên đi đầu trong lĩnh vực kỹ thuật số, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra một chiến lược mới nhằm thực hiện đồng bộ sự hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư nhân, thu hút các tập đoàn bán dẫn hàng đầu của Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc đầu tư vào thị trường nội địa.

Hiện các tập đoàn lớn và viện nghiên cứu hàng đầu của Nhật Bản như Toyota, Sony hay Đại học Tokyo cũng đã kết hợp thành lập công ty sản xuất chất bán dẫn Radius để sản xuất thế hệ chip bán dẫn mới, Chính phủ Nhật Bản tài trợ cho hoạt động nghiên cứu, phát triển của công ty mới này. Trong chiến lược mới, Nhật Bản cũng thành lập nhóm nghiên cứu để đưa ra giải pháp thu hút, đào tạo nguồn nhân lực hàng đầu thế giới về kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo, đồng thời thành lập các trung tâm dữ liệu mới ở Hokkaido và khu vực phía nam để bổ sung cho trung tâm dữ liệu ở khu vực Tokyo và Osaka.

Các đối thủ trong ngành công nghiệp bán dẫn

Mặc dù lĩnh vực bán dẫn đang phát triển và mở rộng nhanh chóng, nhưng hiện tại đang bị chi phối bởi một số nhà sản xuất lớn. Tại Đài Loan (Trung Quốc), TSMC hiện là nhà sản xuất bán dẫn theo hợp đồng lớn nhất thế giới, công ty này tự sản xuất khoảng 50% chất bán dẫn của thế giới, sản xuất chip cho các công ty công nghệ hàng đầu như Apple, Intel, Nvidia.

Nhật Bản tăng cường đầu tư dài hạn cho lĩnh vực chất bán dẫn - Ảnh 2.

Trong khi đó, Trung Quốc đại lục cũng là một trung tâm sản xuất lớn các linh kiện điện tử quan trọng. Dự báo đến năm 2030, Trung Quốc sẽ sản xuất gần 1/4 lượng bán dẫn trên toàn cầu.

Hàn Quốc cũng sở hữu những công ty sản xuất chất bán dẫn lớn của thế giới, nước này có hơn 20 nghìn công ty liên quan lĩnh vực bán dẫn. Trong những năm gần đây, Samsung là nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất tính theo doanh thu. Chất bán dẫn là mặt hàng xuất khẩu chính của Hàn Quốc, chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này trong năm 2021.

Mỹ sở hữu khoảng 12% năng lực sản xuất chip toàn cầu, tính đến năm 2021. Tuy nhiên, Mỹ vẫn dẫn đầu về thị phần toàn cầu hàng năm của ngành công nghiệp bán dẫn, khoảng 46,3%.

Nhật Bản đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nước

Theo các nhà phân tích, hiện Nhật Bản đang bị tụt lại rất xa so với các nước khác trong lĩnh vực này như Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc…, nhưng với tiềm năng của nền kinh tế, Nhật Bản hoàn toàn có thể trở lại là cường quốc số 1 thế giới, thách thức là liệu khu vực công và tư nhân có thể hợp tác với nhau hiệu quả hay không. Theo tính toán, để thực hiện được mục tiêu trên thì ngành công nghiệp bán dẫn Nhật Bản sẽ cần khoản vốn đầu tư theo diện công - tư là hơn 10.000 tỷ yen trong 10 năm tới đây.

Nhật Bản tăng cường đầu tư dài hạn cho lĩnh vực chất bán dẫn - Ảnh 3.

Chính sách phát triển ngành bán dẫn đã được đưa ra, nhưng hiện Nhật Bản đã bỏ quên ngành công nghiệp bán dẫn quá lâu, nếu Nhật Bản muốn quay lại tập trung cho lĩnh vực này thì đòi hỏi về xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển, thu hút nguồn nhân lực được xem là hai thách thức lớn nhất.

Nhật Bản từng dẫn đầu toàn cầu về sản xuất chất bán dẫn, cho đến những năm 1980, khi những nhà sản xuất khác vượt lên chiếm lĩnh thị phần. Trong nỗ lực xây dựng lại cơ sở sản xuất bán dẫn hàng đầu và phát triển ngành kỹ thuật số, Nhật Bản không chỉ tăng nguồn tài chính cho chiến lược này, mà cũng đã bắt tay với các công ty, nhà đầu tư nước ngoài.

Chiến lược phát triển mới của Nhật Bản không chỉ hướng tới mục tiêu khôi phục vị trí cường quốc bán dẫn, mà còn nhằm đảm bảo sự sẵn sàng của nước này trước các thách thức về an ninh kinh tế và xu hướng số hóa đang lan rộng.

Ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ làm gì để giảm phụ thuộc nước ngoài? Ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ làm gì để giảm phụ thuộc nước ngoài?

VTV.vn - Từng khai sinh ra ngành công nghiệp chip của thế giới, giờ đây Mỹ lại là quốc gia phụ thuộc phần lớn vào lượng chip nhập khẩu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước