Theo Cheng Lijing, một trong các tác giả của nghiên cứu, đến từ Viện Vật lý khí tượng thuộc Viện Khoa học Trung Quốc, so với năm 2021, năm nóng nhất từng được ghi nhận trước đó, phần nước bề mặt dày 2.000 mét trên các đại dương đã tích tụ một lượng nhiệt lớn hơn, đủ để đun sôi khoảng 700 triệu ấm nước có dung tích 1,5 lít.
Kể từ năm 2017, mức độ nóng lên tại các đại dương liên tục lập những kỷ lục mới. Mức độ ấm lên ở các đại dương là chỉ số quan trọng để đánh giá tình trạng biến đổi khí hậu, vì đây là nơi hấp thụ tới hơn 90% lượng nhiệt toàn cầu.
Do các đại dương phản ứng chậm hơn với tình trạng ấm lên toàn cầu nên các nhà khoa học tin rằng xu hướng nhiệt độ hình thành trong lòng đại dương sẽ tồn tại trong nhiều thập kỷ.
Kể từ năm 1970, các đại dương đã hấp thụ khoảng 90% lượng nhiệt dư thừa từ bầu khí quyển. (Ảnh: Getty)
Bên cạnh việc đo nhiệt độ, nghiên cứu cũng tính toán độ mặn của nước trên đại dương và phát hiện ra rằng độ mặn ngày càng tăng tại những khu vực vốn có độ mặn cao, trong khi tại các khu vực có độ mặn thấp, chỉ số này ngày càng giảm. Theo nghiên cứu, xu hướng được mô tả là "vùng nước mặn ngày càng mặn lên, trong khi vùng nước ngọt ngày càng ngọt hơn" cũng diễn ra ở mức kỷ lục trong năm 2022.
Các đại dương ấm lên còn dẫn tới tình trạng nước biển dâng và những hình thái thời tiết khắc nghiệt hơn như các trận bão lớn. Khi ấm lên, khả năng hấp thụ carbon của các đại dương cũng giảm, dẫn tới lượng carbon do con người thải ra tồn đọng trong bầu khí quyển nhiều hơn, càng khiến tình trạng ấm lên toàn cầu trở nên trầm trọng hơn.
Các nhà nghiên cứu kỳ vọng, kết quả từ báo cáo này sẽ giúp nâng cao nhận thức và hiểu biết về những thay đổi liên quan đến mức nhiệt của các đại dương, là cơ sở để hành động chống biến đổi khí hậu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!