Trong khi Hà Lan, Bỉ, Thụy Sĩ và 5 bang của Mỹ cho phép thực hiện "cái chết nhân đạo" đối với người bệnh nan y và không thể chịu đựng nổi nỗi đau thể xác, thì Pháp, Hàn Quốc và nhiều nước khác còn tranh cãi về vấn đề này. Nhiều bác sĩ chia sẻ, không ít trường hợp bệnh nhân van nài được chấm dứt sự sống, một số có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục điều trị, chỉ biết chờ đợi cái chết đau đớn đến gần.
Liệt nửa người từ thuở lọt lòng, bây giờ thị lực đang ngày một kém đi và mất kiểm soát tứ chi, chị Lydie Imhoff nhiều lúc muốn kết thúc sự sống, nhưng điều đó không hề dễ dàng.
Nước Pháp, quê hương của chị Imhoff vẫn đang tranh luận về các khía cạnh đạo đức, luân lý, pháp lý của việc "trợ tử". Nhưng nước láng giềng Bỉ đã chấp nhận quyền được chết, chị Imhoff quyết tâm rằng khi tới thời điểm thích hợp, chị có thể chọn tự kết thúc cuộc đời.
Chị Lydie Imhoff - Người Pháp nói: "Tôi không muốn dành phần đời còn lại của mình trong nhà. Trên chiếc ghế mà tôi không thể di chuyển, nơi tôi sẽ chờ được cho ăn, nơi tôi thậm chí sẽ không thể nói được nữa. Tôi sẽ không có quyền lựa chọn làm bất cứ điều gì, đó không phải là cuộc sống, đó không phải là điều tôi muốn. Đầu tôi vẫn hoạt động, nhưng cơ thể đã không còn nghe lời".
An tử bị cấm ở Pháp, do đó, chị Imhoff coi Bỉ là lối thoát khẩn cấp khi muốn chết. Chị đã tới Brussels để gặp bác sĩ tâm lý, giải thích quyết định của mình. Theo lời kể, chị Imhoff chào đời khi mẹ mang thai 5,5 tháng, chị bị liệt nửa người bên trái vì sinh non. Khi trưởng thành, chị không để khuyết tật ngăn cản sở thích cưỡi ngựa, nhưng năm 2008, chị Imhoff bị chấn thương sọ não và cột sống sau cú ngã nặng. Imhoff không muốn kết thúc cuộc đời ngay lúc này, nhưng e ngại các triệu chứng đang lan rộng, cơ bắp co thắt thường xuyên hơn.
Ông Marc Reisinger - Bác sĩ tâm thần, Brussels, Bỉ cho biết: "Có những người đến gặp chúng tôi chỉ muốn biết rằng họ có quyền được an tử hay không. Và tùy thuộc vào tình trạng bệnh của họ, họ sẽ chọn thời điểm thực hiện cái chết nhân đạo. Vì vậy, có thể là sáu tháng sau, một năm sau hoặc có thể họ cũng không cần đến biện pháp này. Họ chỉ cần biết rằng họ có khả năng làm điều đó thì sẽ giúp giải tỏa tâm lý rất nhiều".
Theo AFP, đa số những người Pháp chọn sang Bỉ để thực hiện cái chết nhân đạo là bệnh nhân ung thư hoặc mắc nhiều bệnh cùng lúc. Theo tờ Le Monde, khoảng 40 bệnh nhân Pháp đã được chấp nhận trợ tử vào năm 2021 tại Bỉ, con số này tương đối ổn định trong ba năm qua.
Pháp tháng tới sẽ tổ chức một cuộc tranh luận gồm những công dân được lựa chọn ngẫu nhiên, họ sẽ bàn về quyền được chết và đề xuất với chính phủ cách tiếp cận vấn đề này. Hiện luật ở Pháp cho phép "an thần sâu và liên tục tới khi chết" trong một số điều kiện nhất định, nhưng không trợ tử, kể cả với người mắc bệnh nan y hay người đang đau đớn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!