Khói bốc lên từ ngọn lửa trong một khu vực bị cháy tại rừng nhiệt đới Amazon (Nguồn: Getty Images)
Trong một nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí Nature, các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ và Trung Quốc đã phát hiện ra rằng, có tới 85% các loài được liệt vào danh sách bị đe dọa bởi Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế vì đánh mất môi trường sống do cháy rừng và phá rừng kể từ 2001. Nhìn chung, hỏa hoạn đã phá hủy môi trường sống của 2/3 số loài ở lưu vực sông Amazon.
Xiao Feng, nhà địa lý của Đại học Bang Florida, là một trong những tác giả chính của bài báo cho biết: "Hệ sinh thái Amazon không thích nghi với hỏa hoạn nhưng nạn phá rừng và hỏa hoạn đã và đang liên tục tác động đến đa dạng sinh học nơi đây. Tài liệu cho thấy, một điểm mấu chốt là khi Amazon mất một phần rừng nhất định, toàn bộ hệ sinh thái sẽ chuyển sang một kiểu khác".
Ông Philip Fearnside, một nhà sinh thái học tại Viện Nghiên cứu Quốc gia của Brazil ở Amazonia (INPA), cũng khẳng định rằng, tình hình ở Amazon chắc chắn đang trở nên tồi tệ hơn với nạn phá rừng và suy thoái rừng gia tăng do các hoạt động như khai thác gỗ và cháy rừng.
Ông chia sẻ: "Hầu như tất cả các vụ cháy đều do con người gây ra. Thỉnh thoảng, nó có thể bắt đầu bởi sét nhưng đó không phải là một khu rừng lá kim như những khu rừng ở Bắc Mỹ, nơi sét là nguyên nhân phổ biến. Và không chỉ có phá rừng bất hợp pháp, ở đây còn có hành vi phá rừng hợp pháp và khai thác gỗ hợp pháp".
Nạn chặt phá rừng ở Amazon ngày càng trở nên nghiêm trọng trong các năm gần đây (Nguồn: Getty Images)
Tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP 26 diễn ra vào tháng 11/2021, Tổng thống Brazil, ông Jair Bolsonaro, đã ký cam kết quốc tế chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030.
Tuy nhiên, nạn phá rừng đã và đang gia tăng ở Brazil dưới sự cai trị của ông Bolsonaro. Ông đã gây tranh cãi trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình vì khuyến khích các hoạt động như khai thác mỏ và nông nghiệp ở Amazon. Ông cũng bị chỉ trích vì cố cho phép thông qua luật cho phép phát triển thương mại trên đất được bảo vệ.
Chính bởi hoạt động cháy và phá rừng đã dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng tại Amazon. Và phần lớn nó được xảy ra bởi sự thiếu ý thức của con người. Amazon được xem như là lá phổi xanh của thế giới, tuy nhiên, trong những nghiên cứu gần đây của tạp chí Nature Climate Change vào năm 2021 lại cho thấy lượng carbon mà nó thải ra cao hơn gần 20% so với lượng hấp thụ. Ngoài ra, rất nhiều các sinh vật đã bị phá huỷ môi trường sinh sống bởi hỏa hoạn và chặt rừng trái phép.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!