Đây là số vaccine trong 102.000 liều mà nước này nhận được từ Liên minh châu Phi hôm 26/3, nhưng lại có hạn sử dụng trong vòng 2 tuần, tức là hết hạn vào ngày 13/4. Mặc dù đã có sự đảm bảo của Liên minh châu Phi (AU) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) rằng số vaccine này vẫn an toàn cho đến giữa tháng 7 nhưng chính phủ nước này vẫn tỏ ra cẩn trọng.
Bà Khumbize Kandodo Chiponda - Bộ trưởng Y tế Malawi - cho biết: "Một tuyên bố đến từ WHO cho biết, nếu số vaccine kia hết hạn, chúng tôi vẫn có thể sử dụng nó. Nhưng với tư cách là một quốc gia, chúng tôi đã đưa ra quyết định rằng chúng tôi sẽ không sử dụng bất kỳ loại vaccine đã hết hạn sử dụng nào vì nó đi ngược lại chính sách của chính phủ chúng tôi về vấn đề thuốc và hạn sử dụng. Điều này áp dụng cho mọi loại vaccine, không chỉ là với số vaccine AstraZeneca này".
Không chỉ Malawi, Nam Sudan cũng công bố kế hoạch tiêu hủy khoảng 59.000 liều vaccine, do hết hạn sử dụng. Đại diện WHO chia sẻ với hãng tin CNN rằng việc tiêu hủy vaccine hết hạn là "vô cùng đáng tiếc" nhưng là điều chính đáng.
Một thách thức khác tại châu Phi là các quốc gia thiếu khả năng triển khai tiêm chủng diện rộng. Như Cộng hòa Dân chủ Congo đã trả lại khoảng 1,3 triệu liều vaccine và Nam Sudan trả lại 72.000 liều vaccine, sau khi dự kiến những liều vaccine này có thể không được tiêm trước khi hết hạn sử dụng.
Hiện WHO đang nghiên cứu khả năng kéo dài thời hạn sử dụng của vaccine AstraZeneca. Các nhóm chuyên gia của WHO đang chờ thêm dữ liệu về độ ổn định của vaccine và sẽ xác định xem liệu thời hạn sử dụng có thể thay đổi từ 6 tháng lên 9 tháng hay không.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!