Vụ nổ kinh hoàng tại Beirut: Những giả thuyết mới được hé lộ

Nguyễn Mai-Thứ năm, ngày 06/08/2020 19:24 GMT+7

VTV.vn - Trong lúc Chính phủ Lebanon nỗ lực khắc phục hậu quả vụ nổ hơn 2700 tấn hóa chất, nhiều chi tiết mới được hé lộ.

Những giả thuyết mới được hé lộ 

Có nhiều giả thuyết được đặt ra về nguyên nhân vụ nổ kho hóa chất ở cảng Beirut, như là liệu đây có phải một vụ tấn công hay do lỗi của con người đã tắc trách trong khâu quản lý?

Các quan chức Lebanon đã chỉ ra một nguyên nhân khác, đó là một lô hàng phân bón nông nghiệp khổng lồ đã được lưu trữ tại cảng Beirut mà không có biện pháp phòng ngừa an toàn trong nhiều năm, bất chấp cảnh báo của các quan chức địa phương.

Các tài liệu mới được CNN công bố cho thấy, một lô hàng 2.750 tấn amoni nitrat đã đến Beirut trên một tàu thuộc sở hữu của Nga vào năm 2013. Con tàu mang tên MV Rhosus hiện đã được chuyển đến Mozambique nhưng đã dừng ở Beirut do khó khăn tài chính vào thời điểm đó.

Vụ nổ kinh hoàng tại Beirut: Những giả thuyết mới được hé lộ - Ảnh 1.

Khung cảnh tan hoang sau vụ nổ (Ảnh: AP)

Theo ông Badri Daher, Giám đốc Hải quan Lebanon, hàng hóa trên con tàu đã được bốc dỡ xuống cảng Beirut kể từ lúc nó cập bến, mặc dù bản thân ông và các quan chức Hải quan Lebanon khi đó đã cảnh báo nhiều lần rằng lượng hàng hóa này tương đương với "một quả bom nổi".

"Do sự nguy hiểm cao độ của các mặt hàng được lưu trữ này trong điều kiện khí hậu không phù hợp, chúng tôi nhắc lại yêu cầu của chúng tôi với Cảng vụ để tái xuất hàng hóa ngay lập tức để duy trì sự an toàn của cảng và những người làm việc trong đó", người tiền nhiệm của Daher, ông Chapid Merhi , đã viết trong một bức thư năm 2016 gửi cho một thẩm phán liên quan đến vụ án.

Chính quyền Lebanon đã không liệt kê con tàu MV Rhosus là một trong những nguyên nhân gây nên vụ nổ, nhưng Thủ tướng Lebanon Hassan Diab cho biết vụ nổ kinh hoàng là do 2.750 tấn amoni nitrat gây ra. Ông nói thêm rằng chất này đã được lưu trữ trong sáu năm tại kho cảng mà không có biện pháp an toàn, "gây nguy hiểm cho sự an toàn của công dân".

Giám đốc an ninh của Lebanon cũng cho biết một "loại vật liệu nổ cực mạnh" bị tịch thu từ nhiều năm trước và được lưu trữ trong nhà kho, chỉ cách các khu mua sắm và khu chợ đêm của Beirut vài phút đi bộ. Vụ nổ lớn hôm thứ ba, làm rung chuyển thủ đô, khiến ít nhất 135 người chết và 5.000 người bị thương, theo CNN.

Hôm thứ Tư, Bộ trưởng Thông tin Lebanon Manal Abdel Samad Najd cho biết có những giấy tờ và tài liệu có từ năm 2014 chứng minh sự tồn tại của một cuộc trao đổi thông tin về "tài liệu" bị chính quyền Lebanon thời điểm đó tịch thu. Bà chia sẻ với kênh truyền hình Al Mamlaka thuộc sở hữu nhà nước của Jordan rằng liệu những tài liệu này có liên quan đến việc tạm nhập, tái xuất lô hàng, hiện được cho là nguyên nhân gây ra vụ nổ hay không.

'Những quả bom nổi'

Vào năm 2013, tàu MV Rhosus khởi hành từ Batumi, Grudia, được định sẵn lịch trình đến Mozambique, thuyền trưởng của tàu lúc đó là ông Boris Prokoshev.

Con tàu mang theo 2.750 tấn amoni nitrat, một hóa chất công nghiệp thường được sử dụng làm phân bón và cũng được dùng trong thuốc nổ để khai thác mỏ.

Con tàu treo cờ Moldova dừng lại ở Hy Lạp để tiếp nhiên liệu. Đó là khi chủ tàu nói với các thủy thủ Nga và Ukraine rằng ông ta đã hết tiền và họ sẽ phải nhận vận chuyển thêm hàng hóa để trang trải chi phí đi lại, điều này dẫn họ đi đường vòng tới Beirut.

Các thành viên thủy thủ đoàn cho biết con tàu thuộc sở hữu của một công ty có tên Teto Shipping thuộc sở hữu của Igor Grechushkin, một doanh nhân gốc Nga cư trú tại đảo Síp.

Khi ở Beirut, tàu MV Rhosus đã bị chính quyền địa phương bắt giữ do "vi phạm thô bạo trong việc điều khiển tàu", không trả phí cho cảng và bị nhiều thủy thủ Nga và Ukraine khiếu nại về việc họ không được trả tiền lương, đại diện cho các thủy thủ Nga nói với CNN.

Hãng tin CNN cũng thử liên hệ với người được cho là sở hữu con tàu, doanh nhân Igor Grechushkin, nhưng không nhận được hồi đáp.

Con tàu không bao giờ nối lại hành trình của nó

Các thủy thủ đã ở trên tàu trong 11 tháng với rất ít đồ tiếp tế, theo Prokoshev.

"Tôi đã viết thư cho tổng thống Nga Putin mỗi ngày... Cuối cùng, chúng tôi phải bán nhiên liệu và sử dụng tiền để thuê luật sư vì không có sự giúp đỡ, chủ sở hữu thậm chí không cung cấp cho chúng tôi thức ăn hoặc nước uống" - Prokoshev nói trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh với Echo Moscow vào thứ Tư.

Cuối cùng, các thủy thủ đã bỏ con tàu.

"Theo thông tin của chúng tôi, những thủy thủ Nga sau đó đã được hồi hương về quê của họ mà không nhận được khoản tiền lương nào" - đại diện công đoàn Hiệp hội vận tải đường biển Nga nói với CNN.

"Vào thời điểm đó, trên tàu chở hàng có hàng hóa đặc biệt nguy hiểm - amoni nitrat, mà chính quyền cảng Beirut không cho phép dỡ hoặc chuyển sang tàu khác" - đại diện công đoàn Hiệp hội vận tải đường biển Nga nói thêm.

Năm 2014, Mikhail Voytenko, người điều hành một ấn phẩm trực tuyến theo dõi hoạt động hàng hải, đã mô tả con tàu là một "quả bom nổi".

Vụ nổ kinh hoàng tại Beirut: Những giả thuyết mới được hé lộ - Ảnh 2.

Xung chấn của vụ nổ ảnh hưởng đến cả Dinh Tổng thống và sân bay Beirut cách hiện trường 7km. Ảnh: CNN

Lần đầu tiên, những cảnh báo cao nhất được đưa ra

Theo các email được trao đổi bởi thuyền trưởng Prokoshev và một luật sư có tên Charbel Dagher có trụ sở tại Beirut, người đồng thời cũng là đại diện cho thủy thủ đoàn ở Lebanon, amoni nitrat đã được dỡ xuống cảng của Beirut vào tháng 11 năm 2014 và được lưu trữ trong một nhà chứa máy bay.

Số hóa chất này đã được giữ trong suốt 6 năm, tức là đến thời điểm vừa xảy ra sự việc, bất chấp những cảnh báo lặp đi lặp lại từ Giám đốc Cơ quan Hải quan Lebanon, ông Badri Daher, về "mối nguy hiểm cực độ" mà lô hàng hóa gây ra.

"Trong bản ghi nhớ của chúng tôi 19320/2014 ngày 5/12/2014 và 5/6/2015 [...] chúng tôi đã yêu cầu các phụ trách ở cảng vụ có trách nhiệm tái xuất những lô amoni nitrat đã được bốc dỡ ra khỏi tàu Rhosus và lưu trữ trong kho chứa hải quan số 12 tại cảng Beirut" - Daher viết năm 2017.

Thậm chí, ông Daher còn đề nghị chuyển giao lô hàng hóa nguy hiểm này cho quân đội Lebanon, theo các tài liệu của tòa án, nhưng sự việc không tiến triển.

Ông Daher đã xác nhận với CNN trước đó rằng văn phòng của ông đã gửi "tổng cộng sáu bức thư cho các cơ quan pháp lý" nhưng chính quyền chưa từng trả lời bất kỳ bức thư nào của họ.

"Giám đốc cảng không nên cho phép tàu chở hóa chất vào cảng" - ông nói - "Các lô hóa chất này đúng ra sẽ đến Mozambique, không phải Lebanon".

Hôm thứ Tư, Tổng Giám đốc cảng Beirut Hassan Kraytem trả lời kênh truyền hình địa phương OTV: "Chúng tôi lưu trữ lô hàng trong kho số 12 tại cảng Beirut theo lệnh của tòa án. Chúng tôi biết rằng chúng là những chất nguy hiểm, nhưng không đến mức đó".

Ông Kraytem cũng nói rằng vấn đề loại bỏ vật liệu nổ đã được Cơ quan An ninh và Hải quan quốc gia nêu ra nhưng đã không được "giải quyết".

"Cơ quan An ninh và Hải quan quốc gia đã gửi thư cho Ban quản lý cảng yêu cầu loại bỏ hoặc tái xuất các vật liệu nổ cách đây sáu năm và chúng tôi đã chờ đợi vấn đề này được giải quyết, nhưng không có kết quả" - ông Kraytem nói.

Việc bảo trì được tiến hành trên cửa kho chỉ vài giờ trước khi vụ nổ xảy ra vào hôm thứ Ba, ông nói thêm.

"Chính Cơ quan An ninh yêu cầu chúng tôi sửa một cánh cửa kho và chúng tôi đã làm điều đó vào buổi trưa, nhưng những gì xảy ra vào buổi chiều tôi không biết gì" - ông nói.

Vụ nổ kinh hoàng tại Beirut: Những giả thuyết mới được hé lộ - Ảnh 3.

Hình ảnh cảng Beirut trước và sau vụ nổ. Ảnh: CNN

Amoni nitrat

Amoni nitrat từng là nguyên nhân gây ra các vụ nổ công nghiệp gây nhiều thương vong trong quá khứ. Do đó công tác bảo quản cần được quan tâm đặc biệt.

"Amoni nitrat đã được lưu trữ ở điều kiện thiếu an toàn, là nguyên nhân dẫn đến một số vụ nổ, ví dụ như ở Oppau (Đức), ở Galveston Bay (Texas) và gần đây tại Thiên Tân (Trung Quốc)" -Andrea Sella, Giáo sư Hóa học vô cơ tại Đại học College London, trả lời CNN.

"Đây là một thất bại nghiêm trọng về tuân thủ quy định, bởi vì các quy định về việc lưu trữ amoni nitrat thường rất rõ ràng. Chỉ nghĩ đến việc một lượng lớn hóa chất như vậy đã không được giám sát trong sáu năm khiến tôi thấy các bên đang đổ trách nhiệm cho nhau" - bà Andrea nói thêm.

Có lẽ so sánh chính xác nhất với vụ nổ ở Beirut về quy mô, là vụ nổ ở thành phố Texas City, bang Texas của Mỹ năm 1947, do 2.087 tấn amoni nitrat phát nổ do hỏa hoạn. Vụ nổ đã làm hư hại hơn 1.000 tòa nhà và cướp đi sinh mạng của gần 400 người, theo trang web của Hiệp hội lịch sử Texas.

Các thảm họa trước đây liên quan đến hóa chất đã dẫn đến các quy định được cải thiện để lưu trữ an toàn, Phó giáo sư Stewart Walker, Trường Pháp y, Hóa học và Phân tích tại Đại học Flinder ở Adelaide, Australia nói với CNN, "quy tắc bắt buộc là những kho lưu trữ amoni nitrat phải cách xa khu dân cư".

Vụ nổ kinh hoàng tại Beirut: Những giả thuyết mới được hé lộ - Ảnh 4.

Những tòa nhà ở Beirut giờ đã thành đống đổ nát. Ảnh: CNN

Vụ nổ kinh hoàng tại Beirut: Những giả thuyết mới được hé lộ - Ảnh 5.

Lực lượng cứu hộ đang tìm những nạn nhân còn mất tích dưới hàng tấn bê tông . Ảnh: CNN

Vụ nổ kinh hoàng tại Beirut: Những giả thuyết mới được hé lộ - Ảnh 6.

Những tòa nhà bị vỡ hết cửa kính và mặt tiền. Ảnh: CNN

Cả thế giới cùng Beirut hàn gắn vết thương

Thị trưởng thành phố Beirut ông Marwan Abboud đã khóc khi trả lời phóng viên. Dưới những tấm bê tông kia là biết bao sinh mạng, có thể chẳng còn nguyên vẹn.

Khoảng 250.000 người rơi vào cảnh "màn trời chiếu đất".

Ông Marwan Abboud cho biết tổng thiệt hại sau thảm kịch ước tính khoảng 10 - 15 tỷ USD, bao gồm cả thiệt hại trực tiếp và gián tiếp liên quan đến hoạt động kinh doanh. Thị trưởng Abboud nói thêm rằng lượng lúa mì còn lại hiện nay có hạn và bày tỏ lo ngại về một cuộc khủng hoảng nhân đạo nếu cộng đồng quốc tế không hỗ trợ.

Các nước tiếp tục bày tỏ tinh thần sát đoàn kết với người dân và Chính phủ Lebanon trong thời điểm khó khăn này. Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định sẵn sàng đánh giá thiệt hại và các nhu cầu của Lebanon sau vụ nổ kinh hoàng và phối hợp với các nước đối tác huy động các nguồn tài chính hỗ trợ hoạt động tái thiết tại đây. WB tuyên bố sẵn sàng cân đối lại các nguồn lực hiện có và xem xét bổ sung để giúp người dân bị ảnh hưởng sớm ổn định cuộc sống.

Vụ nổ kinh hoàng tại Beirut: Những giả thuyết mới được hé lộ - Ảnh 7.

Một cô gái ngồi thẫn thờ trong căn hộ đã bị tàn phá tại Beirut. Ảnh: CNN

Người phát ngôn Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Iran Mohammad Nasiri thông báo, Iran bắt đầu vận chuyển 9 tấn lương thực, cùng với nhiều thuốc men, trang thiết bị y tế cũng như cử 22 chuyên gia y tế đến Lebanon để hỗ trợ khắc phục hậu quả vụ nổ. Chuyến xe viện trợ này đã đến Beirut ngày 5/8 sau đợt viện trợ đầu tiên của Iran đến Lebanon một ngày trước đó.

Một phái đoàn do Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Ihsan Abdul Jabbar đã gặp Thủ tướng Lebanon Hassan Diab và thông báo chính quyền Baghdad sẽ viện trợ nhiên liệu cho Beirut. Truyền thông sở tại dẫn lời Thị trưởng Beirut cũng cho biết số bột mì Iraq viện trợ sẽ đến Beirut trong ngày 7/8.

Tại Israel, tòa thị chính thành phố Tel Aviv đã thắp nhiều đèn màu trắng, đỏ và xanh chiếu hình ảnh quốc kỳ của Lebanon. Đây là động thái mới nhất của Israel thể hiện tình đoàn kết với Lebanon dù về mặt kỹ thuật hai nước vẫn còn xung đột.

Lực lượng gìn giữ hòa bình của Trung Quốc tại Lebanon cho biết đã lập một đội ứng phó khẩn cấp gồm 9 nhân viên y tế để hỗ trợ theo đề xuất của Lực lượng lâm thời Liên hợp quốc tại Lebanon (UNIFIL). Đội y tế này cùng với các trang thiết bị y tế và đồ bảo hộ đã chuẩn bị sẵn sàng lên đường đến Beirut.

Vụ nổ kinh hoàng tại Beirut: Những giả thuyết mới được hé lộ - Ảnh 8.

Tòa nhà Quốc hội Li-băng cũng bị ảnh hưởng. Ảnh: CNN

Từ Anh, cung điện Buckingham đã công bố thông điệp của Nữ hoàng Elizabeth II gửi lời chia buồn của Hoàng gia nước này đến gia đình các nạn nhân trong vụ nổ. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab tuyên bố London sẽ cung cấp gói viện trợ 5 triệu bảng, tức khoảng 6,6 triệu USD cho Lebanon, trong đó có hoạt động hỗ trợ tìm kiếm và cứu hộ, cũng như cử chuyên gia y tế.

Vụ nổ kinh hoàng tại Beirut: Những giả thuyết mới được hé lộ - Ảnh 9.

Một bác sĩ tại đang chăm sóc cho ba trẻ sơ sinh tại bệnh viện bị ảnh hưởng của vụ nổ. Ảnh: CNN

Vụ nổ kinh hoàng tại Beirut: Những giả thuyết mới được hé lộ - Ảnh 10.

Những người bị thương đang chờ nhân viên y tế. Ảnh: CNN

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhắc lại một lần nữa cam kết của chính quyền Washington hỗ trợ quốc gia Trung Đông này khắc phục hậu quả vụ nổ.

Ngoại trưởng Canada Francois-Philippe Champagne cho biết, nước này bước đầu viện trợ nhân đạo cho nhân dân Lebanon 5 triệu CAD, tức khoảng 3,77 triệu USD để khắc phục hậu quả vụ nổ. 

Trên mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Champagne nêu rõ, trong số tiền viện trợ trên có 1,5 triệu CAD sẽ được gửi đến Hội Chữ thập Đỏ Lebanon để đáp ứng những nhu cầu cấp thiết của người dân như thực phẩm, nơi ở và dịch vụ y tế. Canada sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình và sẽ tăng cường hỗ trợ trong trường hợp cần thiết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước