Những mối đe dọa đến sự sống trên Trái đất

VTV Digital - TTXVN-Thứ năm, ngày 26/10/2023 19:32 GMT+7

Ảnh minh họa: AP

VTV.vn - Hiệp hội các học giả quốc tế bày tỏ sự bất ngờ trước mức độ nghiêm trọng của những hiện tượng thời tiết cực đoan, quan ngại về những điều sắp tới mà họ sẽ nghiên cứu.

Trong bản đánh giá về hàng loạt kỷ lục nắng nóng và các hiện tượng thời tiết cực đoan trong năm nay - những hiện tượng mà giới khoa học cho rằng đang xảy ra với cường độ trầm trọng hơn dự báo, các nhà khoa học danh tiếng cảnh báo biến đổi khí hậu đang đặt ra "mối đe dọa" hiện hữu đối với sự sống trên Trái đất.

Trong báo cáo đăng tải trên tạp chí BioScience ngày 24/10, hiệp hội các học giả quốc tế bày tỏ vô cùng bất ngờ trước mức độ nghiêm trọng của những hiện tượng thời tiết cực đoan, đồng thời quan ngại về những điều sắp tới mà họ sẽ nghiên cứu. Nhóm học giả này cũng đánh giá: "Sự sống trên Trái đất đang bị bao vây".

Qua phân tích dữ liệu gần đây về 35 dấu hiệu quan trọng của hành tinh, nhóm học giả trên phát hiện, trong số này có 20 dấu hiệu trong năm nay đều ở mức cực đoan chưa từng thấy. Nhiều kỷ lục khí hậu trong năm 2023 có biên độ chênh lệch lớn so với các mốc kỷ lục từng ghi nhận trước đây, đặc biệt là nhiệt độ ở các đại dương, nơi hấp thụ gần như toàn bộ lượng nhiệt dư thừa do ô nhiễm không khí mà con người gây ra. Chỉ cần nhiệt độ tăng khoảng 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp đã gây ra hàng loạt hậu quả nghiêm trọng và gây thiệt hại lớn về kinh tế. Các tác động nghiêm trọng có thể xảy ra bao gồm các mối đe dọa đối với đời sống biển và các rạn san hô cũng như sự gia tăng cường độ của các cơn bão nhiệt đới lớn.

Đồng tác giả nghiên cứu Johan Rockstrom, Giám đốc Viện nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam (Đức), nhấn mạnh nhiệt độ bề mặt nước biển được ghi nhận hoàn toàn vượt xa các mốc dự đoán trên biểu đồ và các nhà khoa học vẫn chưa thể lý giải hiện tượng này.

Với dự đoán năm 2023 sẽ là năm nóng kỷ lục, nhiều khu vực trên khắp hành tinh đã hứng chịu các đợt nắng nóng chết người. Nhiều quốc gia khác như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ... bị ảnh hưởng của lũ lụt nghiêm trọng. Thậm chí tại một số nơi còn liên tiếp hứng chịu cả hai hiện tượng cực đoan này.

Báo cáo cho biết thêm tại Canada, các vụ cháy rừng kỷ lục có liên quan một phần đến biến đổi khí hậu. Những vụ cháy này đã thải ra nhiều carbon dioxide (CO2) hơn tổng lượng khí thải nhà kính của nước này trong cả năm 2021.

Cũng theo báo cáo, trước năm 2023, số ngày có nhiệt độ trung bình toàn cầu lớn hơn 1,5 độ C so với các mức ghi nhận trong thời kỳ tiền công nghiệp rất hiếm. Tuy nhiên, từ đầu năm đến giữa tháng 9 vừa qua, đã có tới 38 ngày có mức nhiệt cao vượt ngưỡng đó.

Mục tiêu 1,5 độ C đầy tham vọng của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu sẽ được đo lường trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, tác giả chính của nghiên cứu này, Giáo sư William Ripple tại Đại học bang Oregon (Mỹ) cảnh báo thế giới có thể đang bước vào thời kỳ mà nhiệt độ hằng năm sẽ đạt đến mức cao đó hoặc thậm chí cao hơn, tiềm ẩn nguy cơ gặp nguy hiểm từ các vòng lặp phản hồi khí hậu và các điểm cực hạn. Theo Giáo sư Ripple, "một khi vượt ngưỡng, những điểm cực hạn này có thể thay đổi khí hậu của chúng ta theo những cách khó hoặc không thể đảo ngược". Những hệ quả này có thể bao gồm hiện tượng tan chảy các tảng băng ở Greenland và Tây Nam Cực; băng tan ở các vùng đất rộng lớn vốn đóng băng vĩnh cửu; diện tích các rạn san hô chết dần tăng lên...

Đồng tác giả nghiên cứu Tim Lenton, Giám đốc Viện Hệ thống toàn cầu tại Đại học Exeter (Anh) nhấn mạnh rằng, có một số điểm cực hạn mà giờ đây con người không thể né tránh, song điều quan trọng hơn là hạn chế tốc độ gây thiệt hại. Để làm được điều này, phải cắt giảm lượng khí thải và hạn chế mức tăng nhiệt.

Giáo sư Ripple nhận định "Nhiều nhà lãnh đạo thế giới nhìn chung vẫn tiếp tục hỗ trợ hoạt động kinh doanh như bình thường, thay vì ban hành các chính sách nhằm hạn chế biến đổi khí hậu và duy trì sự sống trên Trái đất".

Ông và các cộng sự hy vọng rằng, các hiện tượng thời tiết cực đoan gần đây sẽ giúp thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) sắp tới hỗ trợ cắt giảm lớn lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch và tăng tài trợ cho việc thích ứng với khí hậu, đặc biệt là ở những khu vực dễ tổn thương nhất trên thế giới.

Trước đó, Cơ quan giám sát khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, ba tháng 7, 8, 9 của năm nay là quãng thời gian nóng nhất từng ghi nhận và có thể là nóng chưa từng có trong khoảng 120.000 năm.

Báo cáo mang tên Kiến tạo hòa bình với thiên nhiên của Liên hợp quốc năm 2021 cho biết, Trái đất bị tàn phá "thông qua biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm". Theo Liên Hợp Quốc, 3 khủng hoảng môi trường này phải được giải quyết đồng thời.

Theo thống kê, Trái đất đang trong quá trình nóng lên thêm 1,9°C, cao hơn nhiều so với các mục tiêu quốc tế đã được thống nhất trong Thỏa thuận chung Paris. Mỗi năm, khoảng 9 triệu người trên thế giới đã chết vì ô nhiễm, trong khi khoảng 1 triệu trong số 8 triệu loài động, thực vật trên Trái đất đang bị đe dọa tuyệt chủng.

Có tới 400 triệu tấn kim loại nặng, bùn độc hại và các chất thải công nghiệp được thải ra những vùng biển trên thế giới mỗi năm. Hơn 3 tỷ người bị ảnh hưởng bởi tình trạng đất suy thoái và chỉ có 15% diện tích đất ngập nước trên Trái đất còn nguyên vẹn. Khoảng 60% trữ lượng cá bị đánh bắt ở mức tối đa. Có hơn 400 "vùng đất chết" do bị cạn kiệt oxy và ô nhiễm chất thải nhựa trên biển, đại dương đã tăng gấp 10 lần kể từ năm 1980.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

Trái đất

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước