Nguyên nhân là bởi nếu không được cải thiện, vấn đề nợ hộ gia đình sẽ ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế sau đại dịch và làm mất ổn định tài chính ở Thái Lan.
Chị Kavita Wongyakasem, 48 tuổi, là chủ một doanh nghiệp nhỏ tại Thái Lan. Những hóa đơn là lời nhắc nhở chị về số nợ đang ngày càng lớn. Giống như nhiều doanh nghiệp khác, công việc kinh doanh kéo tàu dầu vào cảng của chị đã bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19.
Để công ty với 20 nhân viên có thể cầm cự và gia đình 5 người của chị duy trì cuộc sống, chị Wongyakasem đã phải vay tiền từ những người cho vay cá nhân. Rất nhanh sau đó, chị bị lún sâu trong vòng xoáy nợ nần với khoản nợ đã lên tới gần 8 triệu Baht, khoảng 236.000 USD.
Chị Kavita Wongyakasem nói: "Tôi nghĩ về vấn đề tài chính từng phút một, kể cả trong giấc mơ. Nhiều ngày tôi không muốn thức dậy khi phải đối mặt với việc chúng tôi không còn tiền".
Hàng triệu người giống như chị Kavita bị mắc kẹt trong nợ nần mà đại dịch COVID đẩy họ lún sâu hơn.
Bà Achin Chunglog, Chủ tịch Tổ chức cải cách quyền của con nợ, cho biết: "Ngoài cuộc khủng hoảng không lường trước được, người Thái Lan thiếu kiến thức và sự khôn ngoan trong việc quản lý tài chính của họ. Khi vay mượn, họ không đọc hợp đồng và cũng không biết ý nghĩa pháp lý là gì".
Ông Thanavath Phonvichai, Phòng Thương mại Thái Lan, nhận định: "Tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP là khoảng 86%. Tỷ lệ cao có nghĩa sẽ không dễ dàng đưa ra các chính sách trong tương lai để kích thích tiêu dùng vì người dân còn bận lo trả nợ và vay ngân hàng".
Cứ 3 người Thái Lan thì có một người mắc nợ, thực tế này đã trở thành vấn đề then chốt trong cuộc tổng tuyển cử vào cuối tuần này. Các chính đảng lớn tham gia tranh cử đều hứa tăng lương hoặc hoãn nợ cùng với các khoản cho vay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!