Có những động thái được cho là đáng lo ngại, khiến căng thẳng gia tăng, cũng có những động thái ngoại giao với nỗ lực hạ nhiệt tình hình. Diễn biến đáng chú ý là động thái từ Pháp, thành viên chủ chốt trong Liên minh châu Âu. Tổng thống nước này Emmanuel Macron công du Nga ngày 7/2 và sau đó 1 ngày là Ukraine, kỳ vọng một sự đảm bảo an ninh tại châu Âu.
Nội dung đầu tiên được thảo luận trong cuộc đối thoại giữa Tổng thống Pháp Macron và người đồng cấp Nga Vladimir Putin, là việc thúc đẩy các cuộc đàm phán theo định dạng Normandy gồm 4 bên là Đức, Pháp, Nga và Ukraine trên cơ sở thỏa thuận Minsk, với vai trò trung gian của Đức và Pháp.
Một chủ đề khác được Tổng thống Pháp đề cập là trật tự an ninh mới ở châu Âu. Nội dung thảo luận xoay quanh những điều kiện cân bằng chiến lược ở châu Âu, giúp đảm bảo an ninh, giảm thiểu rủi ro tại khu vực.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói: "Đối với vấn đề Ukraine, ưu tiên trước hết của tôi là đối thoại với Nga, xuống thang căng thẳng và tìm ra các điều khoản chính trị cho phép thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay, dựa trên thỏa thuận Minsk cũng như tình hình thực tế giữa Ukraine và Nga. Nhưng đồng thời cũng phải nối lại đối thoại với các bước tiến từ cả hai phía để tránh leo thang căng thẳng trên lãnh thổ của chúng ta".
Chỉ trong 1 tuần qua, Tổng thống Pháp đã liên tiếp có các cuộc điện đàm với Tổng thống Nga, với Tổng thống Ukraine, Tổng thống Mỹ và các lãnh đạo châu Âu.
Sau các chuyến thăm Nga và Ukraine, ông Macron sẽ ghé qua Berlin để gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda trên đường trở về để thảo luận các giải pháp hạ nhiệt căng thẳng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!