Đây là một hành động mà Nga cho rằng là một mối đe dọa an ninh đối với nước này. Báo chí quốc tế đã dành nhiều bài viết xung quanh động thái này.
Tờ báo Đức đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội nghị này ở ngay nhan đề: "Các nhà lãnh đạo NATO nhóm họp tại Hội nghị thượng đỉnh quân sự then chốt". Then chốt là bởi "Khối này sẽ thông qua việc tăng cường quân sự lớn nhất tại Đông Âu kể từ sau Chiến tranh lạnh". Kết quả là "Lực lượng phản ứng nhanh của NATO giờ đây lớn gấp ba lần, với lữ đoàn mũi nhọn ở vị trí trung tâm và có khả năng huy động chỉ trong vài ngày".
Cho tới nay, dự hiện diện của NATO là rất giới hạn, bất chấp việc Ba Lan, ba nước Baltic là Estonia, Latvia và Litva cùng các quốc gia khác đã liên tục kêu gọi NATO tăng cường phòng thủ tại đây. Tờ Newsweek nhận định, quyết định triển khai binh sĩ lần này là dấu hiệu cho thấy NATO sẽ không vì sức ép từ phía Nga mà khước từ lời kêu gọi tăng cường phòng vệ cho các nước trong khối.
Bất chấp việc tăng cường hiện diện quân sự lớn này, tờ Thời đại Israel trích phát biểu của Tổng thư ký NATO Jens Stontenberg khẳng định, NATO không muốn một cuộc chiến tranh lạnh mới với Nga và cho biết vẫn tiến hành đối thoại với Nga, bởi nước này là hàng xóm lớn nhất và là một thành tố không thể tách rời của an ninh châu Âu.
Lý giải điều này, bài viết trên tờ báo Đức trích ý kiến nhận định: "NATO đang áp dụng cách tiếp cận hai chiều để đối phó với chính sách hai tầng của Nga". Một mặt, NATO cần đối mặt với Nga bằng sự "kiên định, bình tĩnh và đúng mực" và cho Nga thấy không có điều gì phải lo ngại với khối này. Mặt khác, việc triển khai lực lượng với sức mạnh lớn như vậy cũng gửi đi thông điệp "không ai chiếm được thế thượng phong nếu tấn công vào khối này".
NATO sẽ huy động 4.000 quân cho các tiểu đoàn mới này, nhưng con số binh sĩ sẽ không phải là thứ mà Moscow lo lắng, mà đó chính là những thứ đi kèm với lực lượng này - nhận định của nhà phân tích quân sự Nga trên tờ ABC của Australia. Đằng sau các tiểu đoàn này sẽ là cơ sở hạ tầng được xây dựng dựng, các trang thiết bị vũ khí và kho quân sự được triển khai. Chuyên gia Nga tiết lộ, Moscow đang có khoảng 40-50 đơn vị thường trực để sẵn sàng nhận lệnh. Tuy nhiên, điều này giúp Nga có lợi thế ở biên giới, chứ không phải để đương đầu với lực lượng của NATO.
Đặt ra câu hỏi "Liệu Nga sẽ phản ứng như thế nào trước sự tăng cường quân sự của NATO tại 3 nước Baltic", tờ Thời báo phố Wall chỉ ra hai khả năng. Trước tiên là Nga có thể sẽ mở rộng các cuộc diễn tập quân sự trong mùa thu này. Một phương an khác mạnh mẽ hơn, là Nga có thể đưa các tên lửa đạn đạo tần ngắn Iskander tới vùng lãnh thổ Kaliningrad sát biển Baltic hoặc bán đảo Crimea, như một lời cảnh báo trước thách thức từ phía NATO.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!