Rác thải y tế đã chất thành đống tại các bãi rác gần sông Cisadane kể từ khi Indonesia ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm COVID-19. Vào tháng 5, những núi rác này đã đổ sập, khiến hàng tấn rác thải y tế đổ xuống con sông này.
Ống tiêm, khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ là những gì mà anh Ade Yunus, người sáng lập Tổ chức Ngân hàng Rác sông Cisadane, cùng các tình nguyện viên đã tìm thấy trên con sông.
Ống tiêm, khẩu trang, găng tay... được thu nhặt. (Ảnh: Reuters)
Những người dân sống ngay cạnh con sông cho biết đã nhìn thấy dòng chất thải y tế liên tục trôi dạt vào bờ sông. Họ lo ngại, số rác thải y tế này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của con em mình.
Bộ Y tế Indonesia thừa nhận, đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng số lượng chất thải y tế, trong khi Indonesia thiếu các cơ sở xử lý số rác thải này. Tuy nhiên, họ đang làm nỗ lực để tìm giải pháp.
Chuẩn bị đưa các bao chất thải y tế chất lên xe tải ở Jakarta, Indonesia. (Ảnh: Reuters)
Hầu hết các cơ sở y tế ở Indonesia, bao gồm cả bệnh viện, hiện đang phụ thuộc vào bên thứ ba để đốt rác thải. Bộ Y tế Indonesia cho biết, kể từ khi có dịch COVID-19, có tới 1.500 tấn chất thải y tế thải ra môi trường mỗi ngày.
Đến thời điểm này, Indonesia là nước có số người tử vong vì COVID-19 cao nhất ở Đông Nam Á với hơn 7.500 trường hợp. Hiện Indonesia ghi nhận tổng cộng trên 177.500 ca mắc COVID-19.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!