Vấn nạn rác thải điện tử bị bỏ quên trong mùa dịch COVID-19

Nguyễn Mai-Thứ tư, ngày 22/07/2020 16:21 GMT+7

Vấn đề gia tăng rác thải điện tử đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn trong mùa dịch COVID-19. (Ảnh: Getty Images)

VTV.vn - Hãng tin Reuters cho biết, khối lượng rác thải điện tử trên thế giới đang gia tăng ở mức đáng báo động.

Chỉ riêng trong năm 2019, theo thống kê của Liên Hợp Quốc, đã có hơn 53 triệu tấn thiết bị gia dụng và văn phòng đi đến các bãi rác. Thực trạng này ngày càng trở nên trầm trọng hơn trong mùa dịch COVID-19.

Có tới 53,6 triệu tấn rác thải điện tử thế giới được thải ra trong năm ngoái. Nhưng chỉ chưa đến 1/3 trong số này được tái chế. Các chuyên gia cảnh báo rằng, do cách ly xã hội bởi đại dịch COVID-19, lượng rác điện tử tăng lên rõ rệt.

Báo cáo giám sát chất thải điện tử toàn cầu năm 2020 cho thấy, Trung Quốc với 10,1 triệu tấn là nước đóng góp lớn nhất vào "núi" rác thải điện tử toàn cầu. Mỹ đứng thứ hai với 6,9 triệu tấn. Ấn Độ với 3,2 triệu tấn, đứng thứ ba. Cả ba quốc gia này cũng chiếm gần 38% chất thải điện tử của thế giới năm ngoái.

Ông Antonis Mavropoulos - Chủ tịch Hiệp hội chất thải rắn quốc tế (ISWA) cho biết: "Chúng tôi ước tính, 53 triệu tấn rác thải điện tử sẽ tăng lên 74 triệu tấn vào năm 2030. Đó là trong 10 năm tới, khối lượng rác thải sẽ tăng khoảng 35%. Nó quá nhiều".

Vấn nạn rác thải điện tử bị bỏ quên trong mùa dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Ông Antonis Mavropoulos - Chủ tịch Hiệp hội chất thải rắn quốc tế (Ảnh: WastelessFuture)

Cũng theo ông Antonis, máy tính bàn, máy tính xách tay, máy chơi game, điện thoại di động, tủ lạnh, xe điện, robot tự vận hành và các thiết bị điện khác đã bị bán phá giá dẫn đến tình trạng gia tăng rác thải điện tử. Trọng lượng của rác thải điện tử trên Trái Đất tính đến thời điểm này tương đương với trọng lượng của 350 chiếc tàu du lịch Queen Mary 2. Mỗi chiếc tàu nặng tới 84 nghìn tấn. Bạn có hình dung được núi rác thải điện tử khổng lồ này chưa?

Châu Á, lục địa lớn nhất và đông dân nhất, đã thải nhiều rác điện tử nhất thế giới với khoảng 25 triệu tấn thiết bị điện tử đã bị bỏ đi. Ở Nam và Bắc Mỹ thải ra hơn 13 triệu tấn, tiếp theo là ở châu Âu, châu Phi và châu Đại Dương.

Điều này đồng nghĩa với việc lượng vàng, bạc, đồng, platinum và những vật liệu khác trị giá tổng cộng 57 tỷ USD, lớn hơn tổng sản phẩm quốc nội của nhiều quốc gia, đã bị vứt đi hoặc đốt bỏ thay vì thu gom để xử lý và tái sử dụng.

"Tôi tin rằng chúng ta có tất cả các khả năng, công cụ, công nghệ để có nền kinh tế tuần hoàn trong 20 - 30 năm tới và một tương lai không lãng phí. Tuy nhiên, chúng ta thiếu các hệ thống quản trị để kết hợp các điều kiện này" - ông Antonis Mavropoulos nhấn mạnh.

Chất thải điện tử cũng đe dọa đến sức khỏe của con người vì nó có thể chứa các chất độc hại. Ước tính, mỗi năm có tới 50 tấn thủy ngân đi theo các thiết bị như màn hình, bóng đèn tiết kiệm năng lượng… bị thải ra bãi rác. Đây là một chất độc thần kinh ảnh hưởng đến não và có thể làm suy yếu sự phát triển nhận thức của trẻ em. Khoảng 98 triệu tấn CO2 cũng bị thải vào khí quyển từ những chiếc tủ lạnh và máy lạnh bỏ đi hồi năm ngoái, chiếm xấp xỉ 0,3% lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước