Lời hứa khi tranh cử của ông Cameron là: từ nay đến muộn nhất là cuối năm 2017, hỏi ý kiến người dân, xem nước Anh có nên là thành viên Liên minh châu Âu nữa hay không. Lời hứa này phần nào đã giúp ông Cameron thắng cử, nhưng cũng làm công việc của Thủ tướng Anh phức tạp nhiều trong thời gian tới.
Thủ tướng Anh David Cameron nói: “Chúng tôi sẽ tiến hành trưng cầu dân ý về tương lai của nước Anh trong châu Âu. Chúng ta phải chắc chắn rằng kết quả là có lợi cho đất nước”.
Đảng Bảo thủ là chỗ dựa của giới kinh doanh tại Anh, nhưng lãnh đạo đảng lại đưa ra một cam kết tranh cử mà giới kinh doanh thấy chứa đựng đầy rủi ro. Ra khỏi Liên minh châu Âu, thì thị trường tài chính Anh không còn hấp dẫn, doanh nghiệp Anh phải chịu thuế cao khi xuất khẩu hàng hóa vào châu Âu, kinh tế Anh sẽ yếu hơn.
Luật sư Tim Hayes, Công ty Luật Bircham Dyson Bell cho rằng: “Tôi nghĩ ông David Cameron muốn nước Anh tiếp tục là thành viên của Liên minh châu Âu, nhưng ông ấy buộc phải dung hòa giữa một xu hướng trong nội bộ Đảng Bảo thủ không còn muốn ở lại châu Âu, và một bộ phận cử tri Anh mong muốn ở lại với châu Âu vì lý do kinh tế”.
Với lời hứa của ông Cameron, tranh luận tại Anh lại chỉ xoay quanh câu hỏi: ở trong hay ở ngoài Liên minh châu Âu thì có lợi hơn cho kinh tế nước Anh? Tranh luận theo hướng đó làm tăng nghi ngại giữa Anh và các nước châu Âu khác.
Tiến sĩ Deborah Swallow, Học viện Ngoại giao London nói: “Tôi nghĩ rằng người Anh đã quên mục tiêu ban đầu khi thành lập Liên minh châu Âu. Các hiệp định gắn kết các nước thành viên với nhau để giao thương thuận lợi hơn. Nhưng Liên minh châu Âu không chỉ là cộng đồng kinh tế, mà mục tiêu ban đầu cũng là để nhằm duy trì nền hòa bình ở châu Âu”.
Lời hứa tổ chức trưng cầu dân ý trước sau sẽ phải thực hiện. Kết quả sẽ ra sao, có vượt ra ngoài tầm kiểm soát của Thủ tướng Anh hay không, còn quá sớm để đoán biết.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.