Nước Mỹ và nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 trước thềm bầu cử

Nguyễn Mai (Theo CDC, CNBC, The Hill, AP, BBC, The Guardian, CNN)-Thứ tư, ngày 01/07/2020 09:29 GMT+7

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang chịu những tác động trực tiếp và gián tiếp bởi dịch COVID-19

VTV.vn - Nước Mỹ là xứ sở tự do, đến cả virus SARS-CoV-2 cũng tự cho nó quyền tự do lây nhiễm và mang mầm họa đến 50 bang trước thềm bầu cử Tổng thống.

Nếu hỏi phương tiện nào có khả năng di chuyển nhanh nhất, câu trả lời không phải là thủy phi cơ, không phải tàu cao tốc hay máy bay. Đáp án là... một cú hắt hơi.

Giống như được lắp tên lửa, virus SARS-CoV-2 lây lan với tốc độ chóng mặt ở Mỹ. Khi người dân nước này đang hân hoan trước quyết định mở cửa và nới lỏng các hạn chế xã hội, rất có thể con virus đã ghé thăm và "ẩn náu" bên trong cơ thể họ, chỉ chờ dịp phát bệnh ra ngoài.

Đại dịch COVID-19 và những hậu quả khủng khiếp của nó đang khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump đứng trước thách thức là phải đưa ra lời giải cho một "bài trắc nghiệm" chỉ có 2 sự lựa chọn: thành công hoặc thất bại. Đây cũng được xem là yếu tố thành bại tác động đến cuộc đua vào Nhà Trắng sẽ diễn ra vào tháng 11 năm nay.

Các bang liệu có hành động kịp thời?

Nước Mỹ và nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 trước thềm bầu cử - Ảnh 1.

Các bãi biển ở miền Nam và Tây nước Mỹ đông kín người bất chấp nguy cơ lây lan - Ảnh: Straits Times

Số ca mắc mới COVID-19 ở Mỹ lúc tăng chót vót hơn 44 nghìn ca, lúc lại "chỉ tăng" hơn 15 nghìn mỗi ngày, chủ yếu tại các bang miền Tây và Nam, đưa tổng số ca nhiễm ở Mỹ lên gần 2,7 triệu người tính đến thời điểm đầu ngày 1/7 theo giờ Việt Nam.

Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 trong ngày tiếp tục đà giảm, với 263 ca trong 24 giờ qua, theo trang thống kê Worldometers. New York Times đưa tin, 43% số ca tử vong tại Mỹ là ở các trung tâm dưỡng lão và cơ sở chăm sóc sức khỏe lâu dài.

Theo Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu của Mỹ về dịch bệnh truyền nhiễm, rõ ràng tâm lý chủ quan, lơ là phòng dịch của người dân là nguyên nhân khiến số ca mắc COVID-19 tăng cao trở lại trong cộng đồng.

Bất chấp những cảnh báo từ phía chuyên gia y tế, hàng nghìn người vẫn đổ ra các bãi biển, tới các quán rượu và tổ chức các cuộc tiệc tùng thâu đêm suốt sáng. Thế nên mới có chuyện 85 người đã nhiễm virus SARS-CoV-2 sau khi tới một quán bar ở bang Michigan hồi đầu tháng 6.

Ở khía cạnh kinh tế và xã hội, ngăn không cho dịch COVID-19 lây lan đang là ưu tiên hàng đầu của nhà chức trách Mỹ vì phải giảm tối đa tổn thất về con người và thiệt hại tới nền kinh tế. Còn đối với sự kiện chính trị lớn nhất trong năm nay tại Mỹ - cuộc bầu cử Tổng thống, áp lực là vô cùng lớn. Không muốn các cử tri tương lai bị nằm bẹp giường, ôm chiếc máy thở thay vì tự tay đi bỏ phiếu, giới chức nhiều bang đã lập tức đổi phương án, đó là không có mở cửa, nới lỏng giãn cách gì nữa.

Thống đốc bang New Jersey Phil Murphy thông báo duy trì vô thời hạn lệnh cấm các nhà hàng phục vụ ăn uống tại chỗ - vốn theo kế hoạch sẽ được dỡ bỏ từ ngày mai, 2/7.

Trong khi đó, Thống đốc bang Arizona Doug Ducey ra lệnh đóng cửa các quán bar, câu lạc bộ ban đêm, phòng tập gym, rạp chiếu phim và công viên nước trong 30 ngày để ngăn chặn dịch lây lan.

Nhà chức trách bang California cũng chỉ thị đóng cửa các quán bar ở thành phố Los Angeles và 6 hạt khác, sau khi các bang Texas và Florida có quyết định tương tự.

Nhà chức trách bang Florida cho biết các bãi biển ở hạt Broward và hạt Palm Beach sẽ không mở cửa trong các ngày 3 - 5/7.

Trong khi đó, chuỗi rạp chiếu phim AMC lớn nhất nước Mỹ quyết định lùi thời điểm mở cửa trở lại thêm 2 tuần, tức là phải đến tận ngày 30/7 tới. Chuỗi nhà hát Broadway nổi tiếng ở New York cũng sẽ đóng cửa cho đến hết năm nay.

Các quyết định này ảnh hưởng không ít tới các kế hoạch kỷ niệm ngày Quốc khánh 4/7 của nhiều người dân Mỹ.

Có những người vẫn muốn nước Mỹ "thoáng hơn một chút"

Nước Mỹ và nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 trước thềm bầu cử - Ảnh 2.

Hơn 30 chủ quán bar tại bang Texas kiện Thống đốc bang vì yêu cầu ngừng kinh doanh - Ảnh: Time

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, giới chức Mỹ vẫn đưa ra những quan điểm trái chiều, khiến các nỗ lực kiểm soát dịch trở nên khó khăn hơn.

Tổng thống Donald Trump cho rằng, Mỹ sẽ vượt qua đại dịch COVID-19, trong khi đó, cố vấn y tế của ông cảnh báo, biểu đồ dịch bệnh ở Mỹ sắp đạt đến "điểm uốn". Còn theo Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar, cơ hội để Mỹ hành động và kiểm soát dịch bệnh đang thu hẹp dần.

Liên quan tới các biện pháp phòng dịch, ông Trump từ chối đeo khẩu trang trong khi Phó Tổng thống Mike Pence lại khuyến cáo đeo khẩu trang trong trường hợp không thể thực hiện giãn cách xã hội hoặc khi nhà chức trách yêu cầu. Tuy nhiên, ông Pence cũng cho biết, chính quyền liên bang sẽ cho phép các bang tự quyết vấn đề này.

Thống đốc bang Texas Greg Abbott nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 đang có những diễn biến "hết sức nghiêm trọng" và lây lan nhanh chóng trên toàn bang, qua đó yêu cầu người dân hạn chế tối đa các hoạt động ngoài trời và duy trì ở trong nhà lâu nhất có thể.

Trong phát biểu trên truyền hình, ông chỉ trích rằng: "Vẫn còn rất nhiều người ở bang Texas cho rằng sự lây lan của đại dịch COVID-19 không phải là thách thức thật sự đối với ngày Quốc khánh Mỹ, xa hơn là cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 năm nay".

Số ca mắc COVID-19 ở bang Texas đã gia tăng rất nhanh trong tháng 6 này. Tỷ lệ lây nhiễm hiện ở mức 9% so với mức 4,5% trong tháng trước đó. Vậy mà Thống đốc Greg Abbott bị một nhóm chủ quán bar ở bang này đệ đơn kiện vì ra lệnh đóng cửa trở lại các hoạt động kinh doanh nhằm ngăn COVID-19 lây lan. Các chủ quán bar này cho rằng, lệnh cấm không công bằng khi chỉ nhắm vào các quán bar, trong khi cho phép các cơ sở kinh doanh khác như tiệm làm tóc, làm móng hay xăm mình được duy trì hoạt động.

Lệnh đóng cửa được cho sẽ khiến các quán bar ở bang Texas mất hơn 50% doanh thu từ việc bán rượu, đồng thời giảm hiệu suất của các nhà hàng tới 50%.

Mở cửa cũng được nhưng phải an toàn!

Thị trưởng thành phố New York - ông Bill de Blasio cho biết, các bãi biển ở thành phố này sẽ mở cửa đón du khách kể từ ngày hôm nay, 1/7. Mặc dù vậy, ông vẫn khuyến cáo người dân nên tuân thủ các quy tắc về giãn cách xã hội và đeo khẩu trang khi tới các bãi biển. Điều này cũng có nghĩa là người dân đi tắm biển, áo tắm có thể hở thế nào cũng được, một mảnh hay bikini thì tùy nhưng nhất định phải đeo khẩu trang kín mặt.

Hiệp hội Báo chí Nhà Trắng thông báo sẽ hủy bữa tiệc tối thường niên trong năm 2020, vốn đã được lên kế hoạch tổ chức vào ngày 29/8 tới. Bữa tiệc tối này là một sự kiện truyền thống của giới báo chí hoạt động tại Nhà Trắng, được tiến hành lần đầu tiên vào năm 1921.

Trong khi đó, Trung tâm Kennedy tại thủ đô Washington cũng thông báo lùi thời điểm tổ chức gala trao giải thưởng nghệ thuật danh tiếng thường niên của trung tâm này, với khung thời gian mới được ấn định vào ngày 7/3/2021.

Ông Trump có tự tin chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng?

Nước Mỹ và nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 trước thềm bầu cử - Ảnh 3.

Đại dịch khiến cuộc đua vào Nhà Trắng của ông Trump thêm nhiều sóng gió - Ảnh: Aljazeera

Ngay từ những ngày đầu dịch bùng phát ở Mỹ, ông Trump đã có một niềm tin rằng nước Mỹ sẽ kiểm soát được đại dịch. Nhưng chính sự tự tin ấy đã khiến vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ đôi lúc có những phát biểu "lạc quan quá mức", khiến người dân Mỹ phải đặt câu hỏi: "Ông Trump có đang đùa hay không?".

Cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay của ông Trump chắc chắn có nhiều "ổ voi, ổ gà" hơn 4 năm trước. Ông cần phải vực dậy nền kinh tế đang lao đao vì dịch bệnh, rồi phải cân bằng lại phúc lợi xã hội cho người dân, đặc biệt là người thu nhập thấp, nhất là sau khi ông kiên quyết muốn xóa bỏ Đạo luật chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền Obamacare. Ông Trump cũng sẽ phải tính toán lại việc có cho phép lao động nước ngoài được tiếp tục nhận "thẻ xanh", giải quyết tỷ lệ thất nghiệp hiện đang ở mức 13,3%. Nhưng ưu tiên hơn cả, ông Trump phải hàn gắn lại nước Mỹ trước những ý kiến trái chiều về phương pháp chống dịch COVID-19 và nạn phân biệt chủng tộc. Quá nhiều "bài tập về nhà" mà ông Trump phải giải nếu muốn nhận được niềm tin của đại bộ phận người dân.

Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng tuần trước, ông Trump khiến các trợ lý "giật mình" khi công khai thừa nhận đối thủ Joe Biden có thể chiến thắng. Tờ The Hill còn trích lời ông Trump rằng, ông sẽ bước ra khỏi tòa "Bạch ốc" trong hòa bình nếu ông thua trong cuộc bầu cử cuối năm nay. Theo CNBC thống kê, đối thủ Joe Biden đang dẫn trước ông Trump trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây.

Cựu quan chức Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ Scott Gottlieb nhận định, với tốc độ lây nhiễm nhanh như hiện nay, sẽ có khoảng 50% dân số Mỹ mắc COVID-19 vào cuối năm nay. Đây có thể là thời điểm ngay sau khi người dân Mỹ "nô nức" đi bỏ phiếu bầu cử Tổng thống. Chính vì vậy, ông Trump chắc hẳn phải cân nhắc cách đối phó với dịch COVID-19 trong chặng đua cuối cùng này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước