Theo đó, ô nhiễm tiếng ồn đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe và sự phát triển của hàng trăm nghìn trẻ em châu Âu. Cụ thể, ước tính có khoảng 550.000 trẻ em đang gặp khó khăn trong việc đọc do mức độ phơi nhiễm tiếng ồn quá cao, chủ yếu từ giao thông đường bộ.
Theo EEA, hơn 20% dân số châu Âu đang sống trong môi trường có mức tiếng ồn vượt quá ngưỡng an toàn, gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như tim mạch, tâm thần và đặc biệt là ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và gây ra lo lắng ở trẻ em.
Tiếng ồn giao thông - đặc biệt là ở các khu vực đô thị - là thủ phạm chính gây ra tình trạng này. 84% các trường hợp rối loạn đọc ở trẻ em liên quan đến tiếng ồn giao thông đường bộ, trong khi giao thông đường sắt và hàng không lần lượt "đóng góp" 15% và 1%.
Để giảm thiểu tác động tiêu cực của ô nhiễm tiếng ồn đối với trẻ em, EEA khuyến nghị các biện pháp giảm tiếng ồn ngay tại nguồn như hạn chế tốc độ giao thông, giảm tiếng ồn động cơ và lốp xe. Ngoài ra, EEA cho rằng cần cải thiện môi trường sống như tăng cường cách âm cho các tòa nhà hay tạo ra các khu vực xanh, giảm tiếng ồn.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiếng ồn gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người chỉ sau bụi. Trước những tác động tiêu cực đến sức khỏe và thính lực con người, ô nhiễm tiếng ồn chính là vấn đề cấp bách cần được đặc biệt quan tâm.
Ô nhiễm âm thanh là tình trạng tiếng ồ trong môi trường vượt quá ngưỡng nhất định gây khó chịu cho người hoặc động vật.
WHO khuyến cáo tiếng ồn trung bình không vượt quá 40 decibel tại các khu vực dân cư vào ban đêm để phòng tránh sự tác động đến sức khỏe. Mức độ tiếng ồn có thể chấp nhận được là 65 decibel, với tiếng động inh ỏi là cỡ 80 dB, còn bắt đầu cảm giác nhức tai, khó chịu là khoảng 90dB.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!