Ông Volodymyr Zelensky tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/5/2019. Hiến pháp Ukraine quy định nhiệm kỳ của Tổng thống là 5 năm, nghĩa là ngày 20/5/2024 là ngày cuối cùng ông Zelensky nắm quyền theo Hiến pháp.
Tuy nhiên, vào ngày đầu tiên sau khi nhiệm kỳ Tổng thống kết thúc theo Hiến pháp Ukraine, ông Zelensky cho biết vẫn đang tiếp tục các công việc cần thiết.
Ukraine đã ban hành tình trạng thiết quân luật sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự vào tháng 2/2022. Đạo luật thiết quân luật quy định rõ ràng việc trì hoãn các cuộc bầu cử Tổng thống và quốc hội. Hiến pháp Ukraine quy định quyền lực của quốc hội nước này phải được kéo dài cho đến khi hết tình trạng thiết quân luật, nhưng lại không có quy định rõ ràng tương tự về bầu cử Tổng thống.
Bầu cử Tổng thống Ukraine thông thường diễn ra vào cuối tháng 3 nhưng Quốc hội nước này đã quyết định hoãn lại vì Ukraine vẫn đang trong tình trạng chiến tranh và thiết quân luật.
Ông Zelensky trong ngày tuyên thệ nhậm chức vào 20/5/2019 (Ảnh: Getty Images)
Mặc dù vậy, vấn đề này đã gây chia rẽ trong dư luận Ukraine. Một bộ phận cho rằng ông Zelensky vẫn là Tổng thống vì chưa có Tổng thống mới đắc cử. Một bộ phận khác cho rằng Hiến pháp Ukraine quy định nhiệm kỳ 5 năm của Tổng thống, chứ không liên quan đến việc bầu Tổng thống mới.
Bên cạnh đó, câu hỏi liệu ông Zelensky có thể tại vị sau tháng 5 hay không cũng đang được tranh luận ở Ukraine, mặc dù không quá rầm rộ.
Những người chỉ trích ông Zelensky cho rằng Hiến pháp không cho phép mở rộng quyền lực của ông theo thiết quân luật. Tuy nhiên, theo các luật sư, việc gia hạn như vậy là hợp pháp và phù hợp với Hiến pháp.
Theo trang Kyivindependent, tỷ lệ tán thành của Zelensky, đã giảm xuống, nhưng vẫn ở mức trên 50%.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters hôm 21/5 khi hỏi về thành tựu của mình trong nhiệm kỳ Tổng thống vừa qua, ông Zelensky nói: "Tôi không thể đánh giá công việc của mình. Tôi không thể đưa ra quan điểm cá nhân vì nhìn từ bên ngoài sẽ công bằng hơn. Sự thật luôn nằm ở đâu đó".
Ông Zelensky nói thêm rằng mình rất vinh hạnh vì là Tổng thống một quốc gia không dễ dàng từ bỏ, sẵn sàng chấp nhận thách thức: "Tôi tự hào vì tôi là Tổng thống Ukraine. Đây là thái độ của tôi trong 5 năm qua".
Ông Zelensky thăm binh sĩ ở Kherson, Ukraine tháng 11/2022 (Ảnh: Getty Images)
Hôm 20/5, trong cuộc phỏng vấn với hãng tin TASS, người đứng đầu Hội đồng An ninh Nga, Dmitry Medvedev cho rằng ông Zelensky đang cố gắng duy trì quyền lực bằng việc trì hoãn tổ chức bầu cử. Quan chức này cho rằng người đứng đầu Kiev lo ngại phải cạnh tranh với các ứng viên tiềm năng khác, bao gồm cựu tư lệnh quân đội Ukraine Valery Zaluzhny và cựu Tổng thống Pyotr Poroshenko.
Hôm 18/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đặt vấn đề về tính chính danh của ông Zelensky là điều mà hệ thống chính trị và pháp lý của Ukraine, trước hết là Tòa án Hiến pháp, phải giải quyết.
"Đối với chúng tôi, điều này là quan trọng vì nếu phải ký kết bất kỳ văn bản nào liên quan đến xung đột, chúng tôi sẽ chỉ ký với các cá nhân và tổ chức hợp pháp", ông giải thích.
Trong khi đó, người phát ngôn Cơ quan Hành động Đối ngoại EU Peter Stano lưu ý rằng EU "không nghi ngờ gì về tính hợp pháp của ông Zelensky" và người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric nói rằng Liên hợp quốc vẫn công nhận ông Volodymyr Zelensky là nguyên thủ quốc gia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!