Phát hiện ngôi mộ tập thể thời Đức Quốc xã ở Thung lũng Chết của Ba Lan

Quỳnh Chi (Theo Live Science)-Thứ sáu, ngày 20/08/2021 08:00 GMT+7

Nhà nghiên cứu Dawid Kobiałka trong một cuộc khai quật ở Thung lũng Chết. (Ảnh: Antiquity Publications Ltd.)

VTV.vn - Các nhà khảo cổ học ở Ba Lan đã phát hiện ra một ngôi mộ tập thể mà Đức Quốc xã đã cố gắng phá hủy vào cuối Thế chiến II.

Ngôi mộ tập thể chứa đầy hài cốt của khoảng 500 người có liên quan đến "Tội ác Pomeranian" kinh hoàng diễn ra ở tỉnh Pomerania trước chiến tranh tại Ba Lan, khi Đức Quốc xã chiếm đóng đất nước này vào năm 1939. Đức Quốc xã đã giết hại tới 35.000 người ở Pomerania vào đầu cuộc chiến và quay trở lại vào năm 1945 để sát hại thêm nhiều người khác, đồng thời nhằm che giấu bằng chứng về các vụ thảm sát trước đó bằng cách khai quật mộ và đốt xác các nạn nhân.

Các nhà nghiên cứu cho biết, bất chấp sự che giấu công phu này của Đức Quốc xã, các nhà khảo cổ học hiện đã tìm thấy bằng chứng về một trong những ngôi mộ tập thể này sau khi kiểm tra tài liệu lưu trữ, phỏng vấn người dân địa phương và tiến hành các cuộc khảo sát khảo cổ học trên quy mô sâu rộng.

Tội ác Pomeranian năm 1939 là vụ sát hại tàn bạo quy mô lớn đầu tiên trong Thế chiến II ở Ba Lan. Con số này bao gồm 12.000 người đã bị giết trong các khu rừng xung quanh làng Piaśnica và 7.000 người bị chôn trong các khu rừng gần làng Szpęgawsk vào năm 1939. Một số nhà sử học nói rằng, các vụ thảm sát là "khúc dạo đầu" cho những hành động tàn bạo sau này của Đức Quốc xã trong suốt thời kỳ Holocaust (cuộc diệt chủng do Đức Quốc xã cùng bè phái tiến hành và dẫn tới cái chết của khoảng 6 triệu người Do Thái - PV).

Phát hiện ngôi mộ tập thể thời Đức Quốc xã ở Thung lũng Chết của Ba Lan - Ảnh 1.

Một bức ảnh chụp từ trên không của Thung lũng Chết vào tháng 7/2020. (Ảnh: Antiquity Publications Ltd.)

Vì vậy, nhiều người đã thiệt mạng vào năm 1939 và 1945 tại một khu vực của vùng Pomerania, gần ngoại ô thị trấn Chojnice, nơi được gọi là Thung lũng Chết. Một nhân chứng sau cuộc chiến tranh nhớ lại rằng, "một hàng dài gồm khoảng 600 tù nhân Ba Lan từ Bydgoszcz, Toruń, Grudziad̨z và các làng lân cận, dưới sự hộ tống của Gestapo, đã được đưa đến Thung lũng Chết vào nửa cuối tháng 1/1945". Các nhà nghiên cứu đã viết trong báo cáo rằng, "họ bị hành quyết ở đó, và nhân chứng đoán rằng thi thể các nạn nhân bị đốt để phi tang bằng chứng".

Sau chiến tranh, vào năm 1945, cuộc khai quật tại địa điểm đó ở Thung lũng Chết đã tìm thấy hài cốt của 168 người. Các nhà nghiên cứu cho biết, rõ ràng là các báo cáo khai quật và lời khai của nhân chứng cho thấy, có nhiều nơi chôn cất hơn được tìm thấy.

Tác giả chính của nghiên cứu Dawid Kobiałka, nhà khảo cổ học và nhân chủng học văn hóa tại Học viện Khoa học Ba Lan, cho biết: "Chúng ta biết rằng, không phải tất cả các ngôi mộ tập thể từ năm 1939 đều được tìm thấy và khai quật. Và ngôi mộ của những người bị sát hại vào năm 1945 cũng không được khai quật".

Để điều tra, ông Kobiałka và các cộng sự đã sử dụng những kỹ thuật không xâm lấn để nghiên cứu khu vực, bao gồm cả công nghệ đo Lidar (công nghệ quét laser từ trên không, thăm dò từ xa sử dụng bức xạ điện từ), sử dụng tia laser quét từ một máy bay bay từ trên cao để lập bản đồ địa hình của mặt đất. Kết quả cho thấy những chiến hào mà quân đội Ba Lan đã đào vào năm 1939 để đề phòng một cuộc chiến với Đức Quốc xã. Các nhà nghiên cứu cho biết, chỉ vài tháng sau, Đức Quốc xã đã sử dụng những chiến hào này để giấu xác các nạn nhân.

Phát hiện ngôi mộ tập thể thời Đức Quốc xã ở Thung lũng Chết của Ba Lan - Ảnh 2.

Thung lũng Chết sẽ trở thành nghĩa trang chiến tranh tại Ba Lan. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử-Dân tộc học, Antiquity Publications Ltd.)

"Những cuộc hành quyết đã diễn ra tại các chiến hào", nghiên cứu cho biết. "Các nạn nhân rơi xuống hào hoặc thi thể của họ bị hung thủ ném vào đó. Sau đó, các hào được lấp đất lại".

Tại khu vực này, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát dưới lòng đất bằng radar xuyên đất, phân tích trường điện từ và điện trở suất, và phát hiện ra nhiều điểm khác thường ẩn giấu trong lòng đất. Các cuộc khảo sát bằng máy dò kim loại cũng cho thấy nhiều hiện vật, khiến các nhà nghiên cứu phải khai quật 8 trong số các đường hào. Kể từ đó, họ đã tìm thấy hơn 4.250 hiện vật, nhiều hiện vật từ năm 1939 và 1945, bao gồm đạn, vỏ đạn pháo và gỗ cháy có khả năng được sử dụng để đốt thi thể.

Nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy xương bị đốt và đồ trang sức, bao gồm cả một chiếc nhẫn cưới bằng vàng, cho thấy các nạn nhân không bị cướp khi họ bị giết. Các nhà nghiên cứu xác định, chủ nhân của chiếc nhẫn là Irena Szydłowska, một nhân viên giao liên trong lực lượng Armia Krajowa (Quân đội Nhà, là lực lượng chủ lực của Ba Lan trong suốt Chiến tranh thế giới thứ Hai). Gia đình của Armia Krajowa đã được thông báo về việc tìm thấy di vật và kế hoạch là trả lại chiếc nhẫn cho họ.

Cuộc điều tra lịch sử cho thấy, một số tù nhân bị giết là thành viên của Phong trào kháng chiến của Ba Lan trong Chiến tranh thế giới thứ Hai. Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ xác định được một số nạn nhân bằng phân tích ADN. Sau khi các nhà nghiên cứu kiểm tra xong, hài cốt sẽ được cải táng ở Thung lũng Chết và địa điểm này sẽ trở thành nghĩa trang chiến tranh chính thức.

Cựu quản giáo 100 tuổi làm việc tại trại tập trung của Đức Quốc xã ra hầu tòa Cựu quản giáo 100 tuổi làm việc tại trại tập trung của Đức Quốc xã ra hầu tòa

VTV.vn - Một cựu quản giáo 100 tuổi, từng làm việc tại trại tập trung Sachsenhausen của Đức Quốc xã, sẽ phải hầu tòa vào mùa thu 2021, 76 năm sau khi Thế chiến II kết thúc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước