Đến nay, hơn 603,77 triệu người đã mắc COVID-19 trên toàn cầu. (Ảnh: AP)
Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với tổng cộng trên 95,73 triệu ca mắc, trong đó có khoảng hơn 1,067 triệu trường hợp tử vong do bệnh này.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 25/8, nước này ghi nhận tổng cộng trên 44,37 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2, bao gồm gần 527.500 trường hợp thiệt mạng.
Ngày 24/8, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết, số ca mắc mới COVID-19 trong ngày của nước này một lần nữa vượt mốc 10.000 ca với 10.649 trường hợp. Sau khi phát hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, Chính phủ Ấn Độ đang tập trung vào việc tăng độ bao phủ liều vaccine tăng cường do tỷ lệ tiêm mũi thứ 3 đang ở mức thấp.
Pháp hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 153.800 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 34,42 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Brazil đứng sau Pháp về tổng số người nhiễm virus SARS-CoV-2 với trên 34,32 triệu ca, nhưng đứng thứ 2 thế giới về số người tử vong vì COVID-19 với trên 683.000 trường hợp, chỉ sau Mỹ.
Một bệnh nhân nam có quốc tịch Italy, 36 tuổi, mắc cùng một lúc nhiều loại bệnh lây truyền nguy hiểm. Sau khi trở về từ chuyến đi 5 ngày tới Tây Ban Nha hồi tháng 6, bệnh nhân này đã xuất hiện những triệu chứng sốt, mệt mỏi, đau đầu, phát ban. Sau khi tiến hành các xét nghiệm, bệnh nhân đã nhận được kết quả cùng lúc là nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, virus gây bệnh đậu mùa khỉ và HIV.
Đây là bệnh nhân nam có quan hề tình dục đồng giới không an toàn. Các bác sĩ một lần nữa lưu ý, mọi người cần có biện pháp bảo vệ bản thân trong bối cảnh nhiều loại dịch bệnh bùng phát như hiện nay.
Theo một nghiên cứu quy mô lớn công bố ngày 24/8, thuốc điều trị COVID-19 dạng viên của hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) dường như không có tác dụng hoặc có rất ít tác dụng đối với người trẻ tuổi.
Thuốc Paxlovid dường như không có tác dụng hoặc có rất ít tác dụng đối với người trẻ tuổi. (Ảnh: AP)
Trong nghiên cứu trên 109.000 bệnh nhân COVID-19 ở Israel, các nhà nghiên cứu ghi nhận thuốc Paxlovid đã giúp giảm khoảng 75% nguy cơ nhập viện ở những người trên 65 tuổi sử dụng thuốc ngay sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính. Kết quả này phù hợp với những dữ liệu được các cơ quan quản lý dược phẩm ở Mỹ và nhiều nước khác lấy làm cơ sở để cấp phép lưu hành Paxlovid. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy, thuốc hầu như không có tác dụng đối với những người trong độ tuổi từ 40 đến 65.
Viện Y tế Công cộng Chile đã chính thức cấp phép sử dụng các loại vaccine ngừa COVID-19 của các hãng Pfizer, Moderna và Sinovac cho trẻ từ 6 tháng tuổi tại nước này. Cụ thể, vaccine của Pfizer được phép sử dụng cho trẻ em từ 6 tháng đến 4 tuổi. Vaccine này sẽ gồm 3 liều tiêm, trong đó 2 liều đầu cách nhau 3 tuần và liều thứ 3 sẽ được tiêm sau đó ít nhất 8 tuần.
Với vaccine của Moderna, trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi sẽ được tiêm 2 liều cách nhau 28 ngày. Trong khi đó, vaccine của hãng Sinovac được khuyến khích sử dụng cho trẻ em từ 6 tháng đến 3 tuổi với 2 liều cách nhau từ 14 đến 28 ngày.
Viện Y tế Công cộng Chile nhấn mạnh, quyết định phê duyệt trên được đưa ra dựa trên đánh giá về tính an toàn và hiệu quả từ Ủy ban kiểm định vaccine quốc gia.
Mặc dù dự báo có thể sẽ phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới vào cuối năm nay nhưng giới chức Singapore vẫn quyết định nới lỏng một số biện pháp phòng ngừa dịch bệnh trong lộ trình sống chung với COVID-19, khi đã có tới gần 70% dân số mắc bệnh trong hơn 2 năm qua.
Tại cuộc họp báo của Lực lượng đặc trách ứng phó với COVID-19, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Singapore Lawrence Wong cho biết, kể từ ngày 29/8, người dân sẽ không phải đeo khẩu trang tại hầu hết các điểm trong nhà. Việc đeo khẩu trang sẽ chỉ bắt buộc trong 2 lĩnh vực là các cơ sở y tế, khu dưỡng lão và trên các phương tiện công cộng.
Các biện pháp kiểm soát đường biên giới cũng được nới lỏng, theo đó những người chưa tiêm chủng đầy đủ sẽ không phải cách ly 7 ngày tại nơi ở khi tới Singapore, bắt đầu từ ngày 29/8. Tuy nhiên, họ vẫn phải có kết quả âm tính bằng phương pháp xét nghiệm nhanh trong vòng 2 ngày trước khi nhập cảnh Singapore và vẫn phải mua bảo hiểm du lịch COVID-19.
Lực lượng đặc trách COVID-19 của Singapore cho biết sẽ triển khai chiến dịch tiêm mũi bổ sung thứ nhất cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi vào quý IV, dự kiến vào cuối tháng 11, đầu tháng 12. Đối với trẻ từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi, quyết định về việc tiêm vaccine sẽ sớm được đưa ra trong thời gian tới. Những người trên 60 tuổi được khuyến nghị nên sớm tiêm mũi bổ sung thứ 2.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết, nước này sẽ dỡ bỏ yêu cầu xét nghiệm COVID-19 trước khi đến Nhật Bản đối với những du khách đã tiêm 3 mũi vaccine phòng bệnh này. Theo Thủ tướng Kishida, quyết định này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 7/9 tới. Ông cho biết thêm, Chính phủ Nhật Bản chưa quyết định về kế hoạch nâng mức trần số du khách nhập cảnh hiện được quy định ở mức 20.000 người/ngày.
Thủ tướng Kishida đang bình phục tại tư dinh sau khi mắc COVID-19. Phát biểu với báo giới theo hình thức trực tuyến, ông Kishida nêu rõ: "Chúng tôi sẽ tiếp tục dần nới lỏng các biện pháp".
Hiện Nhật Bản đang áp dụng các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt nhất trong số các nền kinh tế lớn, theo đó yêu cầu du khách phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành đến nước này.
Trước đó, vào tháng 5, Thủ tướng Kishida đã bày tỏ muốn điều chỉnh các biện pháp kiểm soát biên giới của Nhật Bản phù hợp hơn với các biện pháp của các quốc gia khác thuộc Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7).
Nhật Bản bắt đầu mở cửa đón khách du lịch từ tháng 6/2022, sau 2 năm đóng cửa do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, lượng du khách đến Nhật Bản vẫn rất thấp do các quy định kiểm dịch nghiêm ngặt của nước này.
Số ca mắc mới/ngày tại Hàn Quốc tiếp tục vượt ngưỡng 100.000. (Ảnh: AP)
Số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày của Hàn Quốc vẫn ở mức trên 100.000 ca trong ngày thứ ba liên tiếp trong bối cảnh lo ngại về sự bùng phát của các dòng phụ của biến thể Omicron. Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 25/8 cho biết, nước này ghi nhận 113.281 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số người nhiễm lên trên 22,7 triệu trường hợp. Số ca tử vong vì COVID-19 tại nước này cũng tăng lên 26.332 ca sau khi có thêm 108 bệnh nhân không qua khỏi. Tỷ lệ tử vong ở mức 0,12%.
Giới chức Hàn Quốc hiện vẫn duy trì cảnh giác cao độ về khả năng bùng phát trở lại dịch COVID-19 vào mùa thu này. KDCA dự báo, số ca mắc mới sẽ có xu hướng giảm trong tuần này hoặc tuần tới và số ca tử vong do COVID-19 và bệnh nhân nặng có thể tăng trong 2 - 3 tuần tới. Số bệnh nhân mắc bệnh nặng và tử vong vì COVID-19 có thể lên tới lần lượt là 800 đến 900 ca và 100 đến 140 vào đầu tháng 9 tới.
Triều Tiên cho biết, nước này đã phát hiện 4 ca sốt mới ở khu vực biên giới với Trung Quốc có thể do virus SARS-CoV-2 gây ra. Thông tin trên được đưa ra hai tuần sau khi Chủ tịch Kim Jong-un tuyên bố, Triều Tiên đã chiến thắng đại dịch COVID-19.
Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết hôm 25/8 rằng các nhân viên y tế đang tiến hành xét nghiệm gene trên các mẫu bệnh phẩm được lấy từ bốn người bị sốt ở tỉnh Ryanggang, qua đó xác nhận liệu họ có phải sốt do "dịch bệnh ác tính" gây ra hay không.
Các nhà chức trách Triều Tiên đã ngay lập tức đóng cửa các khu vực xuất hiện ca sốt và có kế hoạch duy trì các biện pháp hạn chế và cách ly chặt chẽ cho đến khi các nhân viên y tế xác định được nguyên nhân gây bệnh.
Triều Tiên cho biết không ghi nhận trường hợp COVID-19 nào được xác nhận ở bất kỳ khu vực nào của nước này kể từ ngày 10/8, khi ông Kim Jong-un tuyên bố chiến thắng dịch bệnh COVID-19 và chỉ đạo nới lỏng các biện pháp phòng ngừa, ba tháng sau khi nước này lần đầu tiên thừa nhận bùng phát dịch.
Chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đang cân nhắc siết chặt các biện pháp hạn chế để phòng dịch COVID-19 trong bối cảnh số ca mắc mới tại vùng lãnh thổ này tăng cao gây thêm áp lực đối với hệ thống y tế.
Hong Kong ghi nhận 7.884 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 24/8, mức cao nhất kể từ cuối tháng 3 vừa qua. Con số này trong nagfy 25/8 là 8.579 trường hợp. Số ca nhập viện cũng tăng gây áp lực cho hệ thống y tế, khiến các bệnh viện phải giảm một số dịch vụ không khẩn cấp và mở lại các cơ sở cách ly cộng đồng. Tuy nhiên, việc phải siết chặt các biện pháp hạn chế sẽ là một bước lùi trong nỗ lực mở cửa trở lại trung tâm tài chính châu Á này.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, quan chức y tế Hong Kong Chuang Shuk-kwan cho biết, tình hình dịch bệnh tại đặc khu này đang diễn biến phức tạp. Chính quyền vẫn mong muốn thực hiện các biện pháp có trọng tâm nhưng rất lo ngại về hệ thống y tế. Theo quan chức này, nếu áp lực tiếp tục gia tăng, chính quyền Hong Kong sẽ không loại trừ khả năng siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội, có thể ảnh hưởng tới nhiều người dân hơn. Mặc dù số ca mắc và nhập viện đang tăng, số người bệnh nặng vẫn ở mức thấp, với 43 người trong tình trạng nặng và 11 ca chăm sóc đặc biệt.
Thời gian qua, Hong Kong đã nới lỏng những biện pháp hạn chế đi lại, trong đó giảm thời gian cách ly tại khách sạn đối với người nhập cảnh từ 7 ngày xuống 3 ngày.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!