Đây là thông tin khá tích cực vì khoảng thời gian giữa nhiễm virus và phát triển các triệu chứng dường như đang thu hẹp, qua đó giúp phát hiện sớm các ca nhiễm, ngăn ngừa nguy cơ lây lan.
Virus SARS-CoV-2 ở bên trong cơ thể người càng lâu trước khi gây ra triệu chứng thì càng khó ngăn chặn mầm bệnh lây lan. Trong số các đặc tính nguy hiểm của COVID-19, thời gian ủ bệnh của nó luôn lâu hơn so với nhiều bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác, chẳng hạn như cúm, virus hợp bào hô hấp (RSV) và rhinovirus gây cảm lạnh. Tuy nhiên, khoảng thời gian từ lúc tiếp xúc với mầm bệnh đến khi phát triển các triệu chứng của COVID-19 dường như đang rút ngắn lại.
Các nhà khoa học từ Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa ở Trung Quốc đã phân tích dữ liệu từ ít nhất 140 nghiên cứu để ước tính thời gian ủ bệnh do các biến chủng khác nhau của virus SARS-CoV-2 gây ra. Kết quả cho thấy quá trình này đã giảm từ mức trung bình 5 ngày đối với biến thể Alpha xuống còn 3,42 ngày đối với biến thể Omicron. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng thời gian ủ bệnh và mức độ nghiêm trọng của bệnh ở các nhóm tuổi là khác nhau.
“Những phát hiện cho thấy rằng SARS-CoV-2 đã tiến hóa và đột biến liên tục trong suốt đại dịch COVID-19, tạo ra các biến thể với khả năng lây truyền và độc lực khác nhau. Xác định thời gian ủ bệnh là yếu tố chính để xác định thời gian cách ly”, chuyên gia Wannian Liang và các đồng nghiệp cho biết.
Phát hiện mới nhất này được xem là rất có ý nghĩa đối với những nơi như Trung Quốc, quốc gia vẫn duy trì chính sách "Zero COVID". Theo chính sách tại đây, tất cả những người mắc bệnh và du khách nước ngoài khi nhập cảnh đều phải cách ly trong khoảng thời gian ủ bệnh tiềm ẩn để ngăn ngừa nguy cơ lây truyền cho người khác. Chính quyền Trung Quốc gần đây đã giảm thời gian cách ly đối với người nhập cảnh như một phần trong nỗ lực phục hồi nền kinh tế quốc gia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!