Các nhà khoa học cho biết họ đã tìm thấy rạn san hô lớn nhất thế giới gần Quần đảo Solomon của Thái Bình Dương, công bố vào ngày 14/11, một khám phá quan trọng
Một rạn san hô lớn nhất thế giới, có thể quan sát từ không gian, vừa được phát hiện tại vùng biển thuộc quần đảo Solomon. Rạn san hô khổng lồ này có chu vi lên đến 183 mét, là một hệ thống phức hợp của các polyp san hô riêng lẻ đã phát triển trong khoảng 300 đến 500 năm.
Khối san hô đồ sộ này, được các nhà khoa học từ nhóm National Geographic Pristine Seas phát hiện, nằm ở khu vực Tây Thái Bình Dương được biết đến là "tam giác san hô". Loại san hô Pavona clavus này có màu nâu chủ đạo, xen lẫn các sắc vàng, xanh và đỏ nổi bật, tạo thành môi trường sống lý tưởng cho nhiều loài sinh vật biển như cá, cua và tôm.
Các thợ lặn đang bơi qua rạn san hô lớn nhất thế giới nằm gần Quần đảo Solomon của Thái Bình Dương. (Ảnh: AFP)
Enric Sala, nhà sinh thái biển của National Geographic, cho biết: "Phát hiện này giống như tìm thấy cây cao nhất thế giới. Nhưng đáng lo ngại là dù ở vị trí xa xôi, rạn san hô này vẫn không tránh khỏi mối đe dọa từ biến đổi khí hậu và các tác động khác do con người gây ra".
Không giống như các rạn san hô thông thường, khối Pavona clavus này là một cá thể độc lập đã phát triển không bị gián đoạn từ các polyp san hô nguyên thủy, hình thành qua hàng triệu thế hệ. Khi mới phát hiện, nhóm nghiên cứu ban đầu cho rằng đây là xác tàu đắm vì kích thước khổng lồ của nó, nhưng khi lặn sâu 12 mét, họ nhận ra đó là một khối san hô Pavona clavus.
Bức ảnh do National Geographic Pristine Seas chụp vào ngày 24/10/2024 và công bố vào ngày 14/11. (Ảnh: AFP)
Ronnie Posala, cán bộ ngư nghiệp của Bộ Thủy sản Solomon, nhận định: "Đối với người dân quần đảo Solomon, phát hiện san hô khổng lồ này có ý nghĩa to lớn, nhắc nhở chúng tôi về trách nhiệm bảo vệ các kỳ quan tự nhiên không chỉ vì giá trị sinh thái mà còn vì sinh kế và bản sắc văn hóa".
Eric Brown, nhà khoa học san hô trong đoàn Pristine Seas, người từng xác định rạn san hô kỷ lục trước đó ở Samoa, cho biết: "Dù các rạn san hô nông gần đó đã bị ảnh hưởng do nhiệt độ nước biển ấm lên, khối san hô khỏe mạnh này ở vùng nước sâu hơn lại là minh chứng cho khả năng sinh tồn giữa điều kiện khắc nghiệt".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!