Các rạn san hô trên toàn cầu trải qua đợt tẩy trắng lớn kỷ lục

Quỳnh Chi (Theo CNN)-Thứ ba, ngày 22/10/2024 07:40 GMT+7

(Ảnh: Getty Images)

VTV.vn - Tình trạng san hô bị tẩy trắng hàng loạt trên khắp thế giới kể từ tháng 2/2023 hiện là đợt tẩy trắng lớn nhất từng được ghi nhận.

Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết

Theo dữ liệu vệ tinh, từ đầu năm 2023 đến ngày 10/10 năm nay, 77% diện tích rạn san hô trên thế giới - từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương - cho đến nay đã phải chịu áp lực nhiệt độ ở mức tẩy trắng, vì biến đổi khí hậu thúc đẩy nhiệt độ đại dương lên mức cao kỷ lục hoặc gần mức kỷ lục trên toàn thế giới.

"Sự kiện san hô tẩy trắng này vẫn đang gia tăng về phạm vi không gian" - điều phối viên Derek Manzello của NOAA Coral Reef Watch nói - "Điều này có khả năng gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với phản ứng cuối cùng của các rạn san hô đối trước các sự kiện tẩy trắng san hô này".

Cơ quan quản lý rạn san hô của NOAA đã tuyên bố sự kiện tẩy trắng toàn cầu lần thứ tư kể từ năm 1998 vào tháng 4/2024. Kỷ lục trước đó từ năm 2014 đến năm 2017 đã ảnh hưởng đến gần 66% diện tích rạn san hô trên thế giới.

Quá trình tẩy trắng được kích hoạt bởi sự bất thường về nhiệt độ nước biển khiến các loại tảo đầy màu sắc sống trong mô của san hô bị thải ra ngoài. Khi nhiệt độ đại dương quá cao, san hô sẽ đẩy tảo ra ngoài và chuyển sang màu trắng, dẫn tới hiện tượng "tẩy trắng" khiến chúng dễ mắc bệnh và có nguy cơ chết dần.

Người ta ước tính rằng ít nhất 14% san hô còn lại trên thế giới đã chết trong hai sự kiện tẩy trắng toàn cầu trước đó.

Các rạn san hô trên toàn cầu trải qua đợt tẩy trắng lớn kỷ lục - Ảnh 1.

(Ảnh: NOAA))

Chỉ trong 6 tuần qua, hiện tượng tẩy trắng san hô đã được ghi nhận ở vùng biển Palau, Guam và Israel. Căng thẳng do nhiệt độ vẫn ở mức cao ở vùng Caribe và Biển Đông.

Để ứng phó với tình trạng san hô bị tẩy trắng lớn kỷ lục này, các nhà khoa học đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp đặc biệt về rạn san hô. Phiên họp sẽ được tổ chức tại Hội nghị thượng đỉnh Công ước Liên hợp quốc về Đa dạng sinh học (COP16) tại Colombia vào cuối tháng 10 này. Các nhà lãnh đạo thế giới sẽ thảo luận về những chiến lược cuối cùng để ngăn chặn sự tuyệt chủng về mặt chức năng của san hô - bao gồm các biện pháp bảo vệ và tài trợ bổ sung.

Trước đây, giới khoa học đã dự đoán rằng các rạn san hô sẽ vượt qua điểm tới hạn khi nhiệt độ Trái đất tăng ở mức 1,5°C, theo đó có tới 90% các rạn san hô sẽ bị mất. Kỷ lục mới nhất về tình trạng san hô bị tẩy trắng càng củng cố thêm bằng chứng cho thấy các rạn san hô đã vượt qua điểm không thể đảo ngược ở mức chỉ nóng lên 1,3°C.

Điều này sẽ gây ra những tác động khủng khiếp đối với "sức khỏe" của các đại dương, nghề cá và du lịch. Hàng năm, các rạn san hô cung cấp khoảng 2,7 nghìn tỷ USD hàng hóa và dịch vụ - theo ước tính vào năm 2020 của Mạng lưới giám sát rạn san hô toàn cầu.

Theo Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên, khoảng 850 triệu người trên thế giới dựa vào các rạn san hô để có thực phẩm, việc làm và bảo vệ bờ biển khỏi bão và tình trạng xói lở. Các hệ sinh thái này cung cấp nơi trú ẩn cho sinh vật biển, với hơn 25% số loài sinh vật biển coi chúng là nhà.

Tình trạng tẩy trắng đang diễn ra đã trở nên tồi tệ hơn do El Niño - hình thái khí hậu tự nhiên có thể tạm thời làm ấm một số đại dương, kết thúc vào tháng 5. Một số nhà dự báo đang dự đoán thế giới có thể chuyển sang kiểu khí hậu La Niña trong những tháng tới - thường mang lại nhiệt độ đại dương mát hơn - mà các nhà khoa học về san hô hy vọng có thể giúp san hô có cơ hội phục hồi.

Báo động tình trạng san hô tẩy trắng lan rộng toàn cầu Báo động tình trạng san hô tẩy trắng lan rộng toàn cầu Các rạn san hô hứng chịu sự kiện tẩy trắng toàn cầu lần thứ tư Các rạn san hô hứng chịu sự kiện tẩy trắng toàn cầu lần thứ tư Rạn san hô lớn nhất thế giới bị tẩy trắng Rạn san hô lớn nhất thế giới bị tẩy trắng

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước