Phe chính phủ Yemen rời khỏi hòa đàm với phiến quân vì bất đồng

Theo VOV-Thứ ba, ngày 02/08/2016 15:22 GMT+7

VTV.vn - Tình hình tại Yemen có thể tiếp tục chìm trong hỗn loạn sau khi phái đoàn chính phủ Yemen rút khỏi hội đàm với phiến quân Houthi.

Hôm qua (1/8), phái đoàn của chính phủ Yemen tham dự các cuộc hòa đàm do Liên Hợp Quốc (LHQ) làm trung gian đã quyết định rời khỏi Kuwait, sau khi lực lượng Houthi bác bỏ một kế hoạch hòa bình do Liên Hợp Quốc đề xuất nhằm chấm dứt cuộc xung đột vốn đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người dân tại nước này.

Những bất đồng này của hai bên có thể khiến tình hình tại Yemen tiếp tục chìm trong hỗn loạn.

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn của phái đoàn chính phủ Yemen Mohammad al-Emrani xác nhận, phái đoàn này đang rời khỏi Kuwait sau khi đã "hoàn thành phần việc của mình trong các cuộc hòa đàm".

Ông nêu rõ "quả bóng hiện đang nằm bên phần sân của lực lượng phiến quân", theo đó cho rằng lực lượng này đang nắm giữ chiếc chìa khóa quyết định thành công hay thất bại của các nỗ lực đàm phán hòa bình.

Trước khi rời đi, phái đoàn Chính phủ Yemen đã thông báo với phái viên Liên Hợp Quốc về vấn đề Yemen Ismail Ould Cheikh Ahmed rằng họ sẵn sàng ký vào kế hoạch tìm kiếm hòa bình được đề xuất, bất chấp lực lượng Houthi tuyên bố bác bỏ văn kiện này. Người phát ngôn này cũng để ngỏ khả năng phái đoàn chính phủ sẽ tiếp tục quay lại đàm phán nếu phía Houthi chấp thuận giải pháp hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Bản dự thảo thỏa thuận, được Liên Hợp Quốc đưa ra sau sau vòng đàm phán hòa bình kéo dài mấy tháng qua tại Kuwait, yêu cầu phiến quân Houthi phải rút khỏi thủ đô Sanaa mà lực lượng này chiếm giữ từ tháng 9/2014, và giao nộp vũ khí trong vòng 45 ngày. Đây là kế hoạch nhằm thay thế lộ trình hòa bình do Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về vấn đề Yemen Ismail Ould Cheikh Ahmed đưa ra trước đó.

Theo lộ trình cũ, ông Cheikh Ahmed đề xuất thành lập một chính phủ đoàn kết tại Yemen, bao gồm cả lực lượng nổi dậy, điều mà chính phủ của Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi không nhất trí. Còn theo kế hoạch mới, một đối thoại chính trị giữa các phe phái đối địch sẽ bắt đầu trong vòng 45 ngày sau khi lực lượng Houthi rút khỏi các khu vực chiếm đóng, trong đó có thủ đô Sanaa và các thành phố khác và bàn giao các vũ khí hạng nặng cho một ủy ban quân sự do Tổng thống Hadi thành lập. Chính phủ Yemen đã chấp thuận kế hoạch mới của Liên Hợp Quốc ngay sau một cuộc họp ở thủ đô Riyadh của Saudi Arabia do ông Hadi chủ trì.

Trong khi đó, nhóm phiến quân Houthi cho rằng, đề xuất mà Liên Hợp Quốc đưa ra thiếu một sáng kiến để thành lập chính phủ đoàn kết cho quốc gia bất ổn này. Theo đó, dự thảo thỏa thuận hòa bình của ông chỉ là "những ý tưởng cho một giải pháp an ninh", không phải là vấn đề để thảo luận như những bản đề xuất khác.

Theo đánh giá của giới phân tích khu vực Trung Đông, vòng hòa đàm Yemen có nguy cơ tiếp tục rơi vào bế tắc bất chấp các nỗ lực của nhất là Liên Hợp Quốc, do những bất đồng then chốt khó giải quyết giữa các phe phái đối địch tại đây.

Ông Muhammad Shamsan, nhà phân tích chính trị ở Yemen nhận định: "Bế tắc liên tục có thể dẫn đến các cuộc đàm phán hòa bình thất bại, và thậm chí thất bại hoàn toàn, bởi vì không có sự tin tưởng giữa hai bên. Điều chúng tôi lo lắng nhất - điều này có thể là cơ hội cuối cùng và sẽ không còn cơ hội nào khác nữa. Nếu hai bên không nhận ra thực trạng và tìm kiếm các phương pháp nhanh nhất để giải quyết vấn đề thì cuộc xung đột hiện nay có thể trở nên mất kiểm soát và làm nảy sinh nhiều vấn đề hơn."

Yemen rơi vào hỗn loạn sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Ali Abdullah Saleh năm 2012. Tình hình an ninh đã trở nên bất ổn sau khi các phiến quân Houthi được sự hậu thuẫn của lực lượng trung thành với Tổng thống bị lật đổ Saleh chiếm giữ thủ đô Sanaa hồi tháng 9/2014, sau đó tiến xuống miền Nam và kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ Yemen, buộc Tổng thống đương nhiệm Hadi phải sang lưu vong tại nước láng giềng Saudi Arabia.

Liên minh quân sự do Saudi Arabia đứng đầu đã tiến hành các cuộc không kích chống lại nhóm phiến quân Houthi từ tháng 3/2015 và các chiến dịch trên bộ từ tháng 7/2015. Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết xung đột tại Yemen đã cướp đi sinh mạng của hơn 6.400 người và khiến khoảng 2,8 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn kể từ tháng 3/2015. Hơn 80% dân số nước này hiện đang cần viện trợ nhân đạo khẩn cấp.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước