Vào ngày 10/3 vừa qua, Tổng thống Park Geun-hye đã chính thức bị phế truất sau vụ bê bối tham nhũng và lạm quyền. Bà Park Geun-hye đã trở thành tổng thống dân cử đầu tiên của Hàn Quốc bị bãi nhiệm kể từ khi quốc gia này bước vào giai đoạn dân chủ vào cuối những năm 1980. Không khó để hình dung những tác động của sự kiện chưa có tiền lệ này đối với nền chính trị Hàn Quốc, cũng như đối với tình hình trên bán đảo Triều Tiên đầy bất ổn.
Bà Park Geun-hye đã trở thành tổng thống dân cử đầu tiên của Hàn Quốc bị bãi nhiệm kể từ khi quốc gia này bước vào giai đoạn dân chủ vào cuối những năm 1980
Trong bài viết có tựa đề "Tổng thống Park Geun-hye chính thức rời nhiệm sở, điều gì sắp tới đối với Hàn Quốc?", theo tạp chí Forbes, quyết định phế truất tổng thống của Toà Án Hiến pháp mở đường sớm cho một giải pháp đối với tình trạng trống vắng lãnh đạo, vốn đã nhấn chìm Hàn Quốc trong nhiều tháng qua. Một chiến dịch tranh cử rút gọn và cuộc bầu cử tổng thống sớm sẽ là cách nhanh nhất để bình thường hoá nền chính trị Hàn Quốc.
Không lạc quan như tạp chí Forbes, tờ The Japan Times (Nhật Bản) dự đoán trước cuộc bầu cử dự kiến vào đầu tháng 5 tới, chính trường Hàn Quôc sẽ vẫn còn nhiều sóng gió. The Japan Times cho biết trong những tuần đầy biến động sắp tới, Hàn Quốc sẽ chứng kiến cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các đảng phái, đặc biệt giữa phe bảo thủ cầm quyền và phe tự do đối lập.
Theo phân tích của AP, ứng cử viên sáng giá hiện nay là ông Moon Jae-in, cựu lãnh đạo Đảng Dân chủ đối lập theo phe tự do. Trước đó, ông Moon Jae-in đã đứng thứ 2 sau bà Park Geun-hye trong cuộc bầu cử vào năm 2012, và đang dẫn đầu các cuộc thăm dò. AP cho rằng nếu ông Moon Jae-in lên nắm quyền, sự thay đổi lớn nhất là đối với Triều Tiên. Chính sách của của ông Moon Jae-in được cho là mềm mỏng hơn với Bình Nhưỡng, trong đó chú trọng đối thoại, trao đổi văn hoá và thương mại.
Xử lý mối quan hệ với Triều Tiên là một trong những thách thức lớn cho người kế nhiệm bà Park Geun-hye (Ảnh: Retuers)
Cùng quan điểm với AP, tờ Strait Times (Singapore) cho biết lập trường đối lập với những chính sách của chính phủ cầm quyền, đã có những quan ngại là ông Moon Jae-in có thể thân thiện hơn với Triều Tiên, hay lật lại các thoả thuận mà Hàn Quốc đã ký với các quốc gia khác, trong đó đáng chú ý là việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc.
Tuy nhiên, bài viết dẫn phân tích của các chuyên gia cho rằng, nếu nắm quyền ông Moon Jae-in sẽ nhận thức được tầm quan trọng của việc duy trì mối quan hệ gần gũi với Mỹ.
Bất chấp những dấu hỏi về những chính sách sắp tới của Hàn Quốc, tờ The Guardian kết luận dù ai giành thắng lợi đi nữa, ưu tiên lớn nhất sẽ là mang tới sự ổn định chính trị cho Hàn Quốc, và sau đó là nhiệm vụ đoàn kết một đất nước đang bị chia rẽ bởi vụ bê bối vừa qua.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!