Phóng thành công tên lửa Ariane 6, châu Âu tái nhập cuộc đua không gian

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 12/07/2024 07:15 GMT+7

VTV.vn - Rạng sáng 10/7 (giờ Việt Nam, tức tối 9/7 theo giờ châu Âu), tên lửa Ariane 6 đã được phóng từ sân bay vũ trụ của châu Âu ở khu vực Kourou, Guyane thuộc Pháp.

Sự kiện quan trọng này đã được mong đợi từ lâu bởi tên lửa Ariane 6 - được sử dụng để đưa vệ tinh lên quỹ đạo - ban đầu được lên kế hoạch phóng vào năm 2020. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 và nhiều vấn đề kỹ thuật khiến kế hoạch không triển khai được, trong khi tên lửa tiền nhiệm Ariane 5 đã không được sử dụng từ năm 2023 sau 27 năm gánh vác sứ mệnh quan trọng.

Việc châu Âu phóng thành công tên lửa Ariane 6 được coi là bước tiến quan trọng, đánh dấu sự trở lại của châu Âu trong cuộc đua khám phá không gian. Châu Âu phóng thành công tên lửa đẩy Ariane 6 sau những lần trì hoãn, thử nghiệm.

Ông Lionel Suchet - Phó Chủ tịch điều hành Trung tâm Nghiên cứu vũ trụ quốc gia Pháp - nhận định: "Có thể nói rằng đây là một sự kiện lịch sử vì phải mất hàng thập kỷ để phát triển một tên lửa đẩy mới".

Ông Ruedeger Albat - cựu Quản lý chương trình Ariane - nói: "Điều cực kỳ quan trọng đối với chúng tôi là châu Âu có quyền tự chủ tiếp cận không gian và có khả năng đưa ra mọi ứng dụng mới bằng chính nguồn lực của mình. Đây chính là trường hợp của Ariane 6. Đây là một ngày rất quan trọng đối với chúng tôi".

Phóng thành công tên lửa Ariane 6, châu Âu tái nhập cuộc đua không gian - Ảnh 1.

Tên lửa phóng vệ tinh Ariane 6 của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cất cánh từ bệ phóng tại Trung tâm Vũ trụ Guiana ở Kourou, Guiana thuộc Pháp, ngày 9/7 (Ảnh: AFP)

Ariane 6 được phát triển với chi phí ước tính khoảng 4 tỷ Euro (4,33 tỷ USD). Quyết định bắt đầu phát triển Ariane 6 được đưa ra vào năm 2014 để bảo đảm khả năng tiếp cận không gian độc lập của châu Âu. Ariane 6 được thiết kế để theo kịp sự cạnh tranh ngày càng tăng trên thị trường tên lửa vũ trụ và được xem là "hòn đá tảng" cho các hoạt động hàng không vũ trụ trong tương lai của châu Âu.

Tuy nhiên, ngoài quốc phòng, còn có nhiều lĩnh vực kinh tế khác trong không gian như không gian được sử dụng cho nông nghiệp, đánh bắt cá, quy hoạch vùng, xây dựng, du lịch và chăm sóc sức khỏe".

Dự kiến, châu Âu sẽ phóng Ariane 6 thêm một lần nữa cuối năm 2024, 6 lần vào năm 2025 và 8 lần vào năm 2026. Mục tiêu là phóng 30 tên lửa mỗi năm vào năm 2030.

Trước vụ phóng tên lửa Ariane 6, châu Âu đã đứng trước các thách thức về cuộc đua phát triển không gian khi tên lửa Ariane 5 ngừng hoạt động. Trong khi đó, nhiều quốc gia và các tập đoàn tư nhân đang tăng tốc trong cuộc đua đầy tiềm năng và còn ít được khai phá này.

Ngành công nghiệp phóng vệ tinh của châu Âu đã gặp khó khăn trong những năm gần đây. Tên lửa Ariane 6 dự định được phóng vào năm 2020, nhưng đại dịch COVID-19 và nhiều vấn đề kỹ thuật đã làm trì hoãn kế hoạch này. Phiên bản tiền nhiệm Ariane 5 đã không còn được sử dụng sau chuyến bay cuối cùng hồi năm 2023.

Vega-C - tên lửa nhỏ hơn của châu Âu được thiết kế để đưa các vệ tinh lên quỹ đạo - cũng đã ngừng hoạt động kể từ vụ phóng thất bại vào tháng 12/2022. Do đó, Liên minh châu Âu (EU) không có phương tiện độc lập để tự đưa các vệ tinh vào không gian - nơi các quốc gia đang cạnh tranh để chiếm lợi thế chiến lược và kinh tế.

Phóng thành công tên lửa Ariane 6, châu Âu tái nhập cuộc đua không gian - Ảnh 2.

Người dân theo dõi buổi trình chiếu công khai về quá trình cất cánh của tên lửa Ariane 6 tại Cite de l'Espace, ở Toulouse, Tây Nam nước Pháp, ngày 9/7 (Ảnh: AFP)

Trong khi đó, ngành vũ trụ châu Âu đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gia tăng không chỉ từ Mỹ mà còn từ những nước khác có ngành vũ trụ mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như các công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực này như SpaceX của tỷ phú Elon Musk, Blue Origin, Orbital ATK, ViaSat...

Các nhà quan sát cho rằng châu Âu đã mất toàn bộ quyền tự chủ tiếp cận không gian kể từ đầu năm 2022 trong bối cảnh dự án phát triển tên lửa Ariane 6 bị chậm trễ; dự án phát triển tên lửa Vega-C của châu Âu gặp thất bại đầu tiên trong lần phóng thương mại vào tháng 12/2022; xung đột ở Ukraine làm "đóng băng" mọi hoạt động hợp tác trong lĩnh vực không gian với Nga.

Trước khi diễn ra sự kiện lần đầu tiên phóng thành công tên lửa Ariane 6, ba nước châu Âu gồm Đức, Pháp và Italy hồi tháng 11/2023 đã ký một thỏa thuận được đánh giá là thành công lớn và là bước ngoặt quyết định trong lịch sử vũ trụ châu Âu. Thỏa thuận này nhằm đưa ngành vũ trụ châu Âu phát triển độc lập và bảo đảm khả năng tiếp cận quỹ đạo, cũng như cho phép châu Âu quay trở lại cuộc đua chinh phục không gian bị đình trệ. Thỏa thuận gồm ba nội dung quan trọng đối với ngành vũ trụ của châu Âu.

Dù còn những thách thức và sẽ phải tiếp tục tăng tốc, Ariane 6 đã mang lại những kỳ vọng cho châu Âu trong cuộc đua khám phá không gian, đẩy nhanh phát triển công nghiệp vũ trụ.

Với thành công từ vụ phóng tên lửa Ariane 6 cùng những kỳ vọng từ sự tái nhập của EU, cuộc đua khám phá không gian, chinh phục những chân trời mới được nhận định sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới. Những chương trình du lịch không gian như Virgin Galactic, hay thậm chí là các chương trình khám phá Mặt trăng, khám phá sao Hỏa sẽ có thêm những "tay đua" mới, qua đó giúp nhân loại tìm hiểu thêm những chân trời còn ẩn giấu ngoài thiên hà xa xôi.

Châu Âu phóng thành công tên lửa Ariane 6 Châu Âu phóng thành công tên lửa Ariane 6 Blue Origin phóng thành công tên lửa đẩy Blue Origin phóng thành công tên lửa đẩy Ấn Độ phóng thành công tên lửa mang theo 36 vệ tinh liên lạc Ấn Độ phóng thành công tên lửa mang theo 36 vệ tinh liên lạc

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước