Chủ đề chính của Hội nghị an ninh Munich năm nay là cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, chống biến đổi khí hậu, tăng cường liên minh xuyên Đại Tây Dương, đặc biệt là tình hình căng thẳng liên quan cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Trong ngày làm việc đầu tiên, cuộc khủng hoảng tại Ukraine là chủ đề được nhắc đến trong tất cả các cuộc thảo luận và bài phát biểu của những đại biểu tham dự Hội nghị.
Các quốc gia phương Tây vẫn giữ quan điểm cứng rắn, chỉ trích những cuộc tập trận của Nga ở khu vực biên giới Ukraine và quan ngại về nguy cơ bất ổn tại châu Âu. Tuy nhiên, các ý kiến đều thống nhất cho rằng cần phải đối thoại để tháo ngòi nổ căng thẳng hiện nay.
Bà Annalena Baerbock, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức, tuyên bố: "Trách nhiệm của chúng ta sau Chiến tranh thế giới thứ hai là phải đảm bảo rằng không bao giờ để xảy ra chiến tranh nữa".
Một trong những chủ đề chính của Hội nghị an ninh Munich năm nay là khủng hoảng tại Ukraine. (Ảnh: AP)
Theo quan điểm của Ngoại trưởng Mỹ, các cuộc đối thoại giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine đang phụ thuộc vào việc Nga thực hiện tuyên bố của mình, sớm rút quân và các thiết bị quân sự hạng nặng ở khu vực biên giới Ukraine.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói: "Mỹ đang làm mọi thứ có thể để đảm bảo rằng có một con đường ngoại giao cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine, những khác biệt phải được giải quyết thông qua đối thoại".
Những quan điểm, lập trường cứng rắn của các nước phương Tây với Nga trong vấn đề Ukraine liệu có phù hợp với chiến lược và quan điểm của Nga; các bên sẽ phải nhượng bộ những gì khi tiến hành các cuộc đối thoại giải quyết khủng hoảng là những câu hỏi chưa được trả lời sau Hội nghị an ninh munich năm nay bởi Nga không tham gia sự kiện này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!