Lần đầu tiên châu Âu đánh giá khủng hoảng tại Ukraine

Thế giới hôm nay-Thứ năm, ngày 17/02/2022 06:00 GMT+7

VTV.vn - Đây là lần đầu tiên lãnh đạo tất cả các thể chế chính chính trị thuộc Liên minh châu Âu cùng đưa ra quan điểm về cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Dù vẫn thể hiện quan điểm cứng rắn, chỉ trích các hành động quân sự của Nga ở khu vực biên giới Ukraine, nhưng các nhà lãnh đạo châu Âu nhận định, căng thẳng tại Ukraine đã bước sang giai đoạn mới khi mà các bên có thể đối thoại.

Ông Charles Michel - Chủ tịch Hội đồng châu Âu cho biết: "Hai ngày trước, Nga đã tuyên bố kế hoạch rút quân và có thể đàm phán. Và chúng tôi kêu gọi Nga có bước đi cụ thể để giảm leo thang, tạo điều kiện để các bên đối thoại chính trị".

Bà Ursula VonDe Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu: "Tương lai đang ở trước chúng ta, một tương lai mà Nga và châu Âu hợp tác dựa trên những lợi ích chung, nơi các quốc gia tự do hợp tác với nhau trong hòa bình, thịnh vượng. Đây là nguyện vọng của tôi. Và tôi chắc chắn rằng người dân Nga cũng có chung khát vọng này".

Bên cạnh những kỳ vọng vào các bước đi cụ thể của Nga nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, các nhà lãnh đạo châu Âu cũng ghi nhận những nỗ lực của Đức và Pháp trong thời gian qua

Ông Joshep Borrell - Cao ủy Liên minh châu Âu về vấn đề đối ngoại: "Pháp và Đức đã thực hiện một số sáng kiến chính trị để thúc đẩy giải quyết cuộc khủng hoảng một cách hòa bình, những sáng kiến này rất minh bạch và liên hệ chặt chẽ với quan điểm của liên minh châu Âu".

Ngay sau khi các nhà lãnh đạo châu Âu đưa ra thông cáo chung về tình hình Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng các nước NATO cũng có cuộc họp bàn về những diễn biến mới tại khu vực này. Những diễn biến mới này mang lại hy vọng cho những cuộc đàm phán hòa bình về vấn đề Ukraine.

Lần đầu tiên châu Âu đánh giá khủng hoảng tại Ukraine - Ảnh 1.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: DW\

Vai trò của Đức và Pháp trong quan hệ Nga - Ukraine

Tình hình căng thẳng trong quan hệ Nga - Ukraine hạ nhiệt cho thấy vai trò của Đức và Pháp. Ngoài các lợi ích lớn về kinh tế, hai nước này luôn cho rằng Nga là một cường quốc châu Âu và cần phải lôi kéo Nga can dự tích cực vào các vấn đề của châu Âu thay vì đẩy Nga về phía đối địch. Giới phân tích chính trị châu Âu nhận định, chuyến công du của ông Macron không chỉ với tư cách là nguyên thủ Pháp, mà còn với vai trò của Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU). Trước đó, phát biểu trước các Nghị sĩ châu Âu, ông Macron tuyên bố, châu Âu cần phải đối thoại thẳng thắn với Nga về vấn đề an ninh.

Còn Đức thể hiện vai trò lãnh đạo chính trị trong cuộc khủng hoảng Ukraine khi khởi động lại cuộc đàm phán theo thể thức Normandy. Để tránh đẩy tình hình căng thẳng, Đức từ chối cho Ukraine nhập khẩu vũ khí qua Đức dù chịu sức ép từ các đồng minh. Ngoài ra, mối quan hệ kinh tế chặt chẽ giữa Đức và Nga, đặc biệt là dự án Dòng chảy Phương Bắc 2, cùng tuyên bố sẵn sàng áp các lệnh trừng phạt nếu Nga có hành động quân sự với Ukraine được cho là chìa khóa mở cửa cho các cuộc đối thoại mới.

Cuối cùng, có thể thấy trong khi các cuộc đối thoại giữa Nga với Mỹ, Anh hay NATO còn chưa tìm được giải pháp cho tình hình Ukraine thì cả Pháp và Đức không chỉ thể hiện vai trò cầu nối lợi ích giữa Nga và Ukraine, mà còn cả với các nước phương Tây như Anh và Mỹ hay chính các thành viên EU và NATO.

Dấu hiệu hạ nhiệt từ phía Nga trong đàm phán

Lần đầu tiên châu Âu đánh giá khủng hoảng tại Ukraine - Ảnh 2.

Việc Nga đưa quân trở lại căn cứ sau khi kết thúc tập trận được Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đánh giá là cơ sở cho sự lạc quan thận trọng.

Nga sẵn sàng tiếp tục các cuộc đàm phán với phương Tây về vấn đề an ninh. Tổng thống Putin đã tuyên bố điều này với báo giới sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức trong ngày hôm qua. Ông cho biết, các phản hồi của Mỹ và NATO đối với các đề xuất đảm bảo an ninh của Nga dù chưa giải quyết được 3 yêu cầu cơ bản, nhưng lại có những điểm mà Nga sẵn sàng làm việc. Đó cũng là những cân nhắc mà Nga đã từng đưa ra với các đối tác phương Tây - về vấn đề an ninh châu Âu, về các hệ thống vũ khí nhất định, bao gồm tên lửa tầm trung và tầm ngắn, về sự minh bạch của quân đội.

Người đứng đầu nước Nga tuyên bố sẵn sàng "đi theo con đường đàm phán" nhưng ông nhấn mạnh, tất cả các vấn đề này cần được xem xét một cách tổng thể, không tách các đề xuất chính của Nga. Сó thể thấy lúc này những yêu cầu của Nga về đảm bảo an ninh không còn là một tối hậu thư, Nga sẵn sàng tăng cường các cuộc đối thoại.

Những thông điệp "không muốn chiến tranh" và "sẵn sàng tiếp tục đối thoại" đã được cả hai nhà lãnh đạo Nga và Đức phát đi trong và sau cuộc hội đàm ngày 15/2. Cơ hội trên bàn đàm phán đã rộng mở hơn. Tuy vậy, cả 2 phía Nga và phương Tây vẫn đang có những phản ứng rất cẩn trọng. Việc Nga đưa quân trở lại căn cứ sau khi kết thúc tập trận được Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đánh giá là cơ sở cho sự lạc quan thận trọng. Ông Stoltenberg cho rằng, việc điều quân đi chưa hẳn là dấu hiệu hạ nhiệt thực sự, mà sẽ cần phải rút các khí tài quân sự nữa.

Trong cuộc họp của NATO vừa kết thúc cách đây ít phút, Bộ trưởng Quốc phòng Đức cho rằng các tín hiệu hiện nay đã đem đến hy vọng, nhưng kêu gọi biến các cam kết thành hành động hạ nhiệt căng thẳng thực chất.

Căng thẳng Nga - Ukraine hạ nhiệt, Dow Jones tăng 400 điểm Căng thẳng Nga - Ukraine hạ nhiệt, Dow Jones tăng 400 điểm Nhân viên của phái đoàn giám sát OSCE rút khỏi miền Đông Ukraine Nhân viên của phái đoàn giám sát OSCE rút khỏi miền Đông Ukraine 'Hiệu ứng domino' từ căng thẳng Nga-Ukraine đối với thị trường dầu mỏ "Hiệu ứng domino" từ căng thẳng Nga-Ukraine đối với thị trường dầu mỏ

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước