Ước tính, khoảng 70% số sản phẩm nhựa bị thải ra môi trường sau khi được sử dụng 1 hoặc vài lần và chưa đến 10% được tái chế. Chính vì vậy, nhiều nước đang nỗ lực giảm rác thải nhựa, ngăn chặn tình trạng ô nhiễm nhựa trở nên tồi tệ hơn.
Malaysia là một trong những nước gây ô nhiễm đại dương nhất châu Á, với mức tiêu thụ bao bì nhựa là gần 17 kg/người. Trước tình hình này, Chính phủ Malaysia đặt mục tiêu sẽ cấm sử dụng túi nhựa trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ trên toàn quốc vào năm 2025.
Chiến dịch không sử dụng túi nhựa sẽ được triển khai theo từng giai đoạn, bắt đầu từ các địa điểm kinh doanh cố định như siêu thị và một số cửa hàng được chỉ định, sau đó sẽ được mở rộng ra tất cả các cửa hàng trên toàn quốc.
Tại Anh, tình trạng ô nhiễm nhựa đang diễn ra khá nghiêm trọng tại các vùng biển, mỗi hạt nhựa tương đương 1 hạt đậu, có kích thước từ 1-5milimet. Vì nhỏ như vậy, chúng có thể bị lọt ra ngoài trong quá trình vận chuyển và xử lý và chẳng khó khăn gì thâm nhập vào môi trường nước, với số lượng lên tới hàng tỷ hạt. Độc chất hóa học có thể bám lâu dài trên bề mặt hạt nhựa. Các sinh biển một khi ăn phải sẽ hấp thụ các chất ô nhiễm độc hại, gây ảnh hưởng xấu đến toàn bộ chuỗi thức ăn.
Ước tính, mỗi năm có khoảng 11,5 nghìn tỷ hạt nhựa thâm nhập vào môi trường đại dương trên thế giới. Chính vì vậy, săn tìm hạt nhựa trên các bãi biển là hoạt động thường xuyên của các nhà hoạt động môi trường tại Anh, như một cách để nâng cao nhận thức của người dân và hối thúc chính phủ hành động hơn nữa vì môi trường.
Chị Megan Kirton - Tổ chức môi trường Fidra, Scotland: "Các hạt nhựa cần được phân loại chính thức là chất gây ô nhiễm biển để chúng được đóng gói nghiêm ngặt, dán nhãn rõ ràng, cũng như xử lý an toàn và phù hợp hơn".
Tại Pháp, để hạn chế rác nhựa đổ ra biển, ở phía hạ lưu sông Seine, giới chức Pháp đã lắp đặt các tấm lưới đóng vai trò như màng lọc rác thải nhựa.
Ông Sebastien Vannier - Phụ trách vận hành mạng lưới thoát nước sông Seine, Pháp: "Đây là lớp lưới cuối cùng trước khi nước sông đổ ra biển. Không có lưới này thì rác nhựa sẽ đi ra môi trường và trở thành vi nhựa, lúc đó chúng ta sẽ không thể nào biết chúng trôi đi đâu, về đâu nữa".
Các tổ chức bảo vệ môi trường tại Pháp kêu gọi cải thiện hệ thống thu gom và xử lý rác thải nhựa, bên cạnh đó là giảm mạnh sử dụng các đồ nhựa dùng 1 lần để hạn chế tình trạng ô nhiễm nhựa ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!