Trong Sách Trắng về y tế, lao động và phúc lợi năm 2024, tình trạng làm việc quá sức và căng thẳng ngày càng lan rộng trong ngành nghệ thuật và y tế ở Nhật Bản đã được đề cập.
Theo Sách Trắng, cuộc khảo sát được tiến hành từ tháng 10 - 12/2023 trong lĩnh vực nghệ thuật và giải trí cho thấy hơn 40% nhân viên kỹ thuật và đạo diễn sân khấu làm việc 60 giờ trở lên trong một tuần. Trong khi đó, mỗi tuần, 60% đạo diễn và nhà sản xuất chỉ được nghỉ một ngày hoặc chưa đầy một ngày.
Cuộc khảo sát cũng tìm hiểu về tình trạng quấy rối nơi làm việc và rắc rối trong các giao dịch kinh doanh trong ngành. Kết quả cho thấy, 42% số người được hỏi cho biết họ "đã bị những người liên quan đến công việc đưa ra phát ngôn gây tổn thương", trong khi 22,3% số người thừa nhận họ đã "trải qua các tình huống liên quan đến bạo hành thể chất".
Một cuộc khảo sát riêng liên quan đến nhân viên chăm sóc sức khỏe - bao gồm bác sĩ và y tá - tập trung vào các trường hợp rối loạn tâm thần từ năm 2010 - 2020 vốn được coi là tai nạn lao động đủ điều kiện để nhận bồi thường. Kết quả cho thấy các rối loạn tâm thần ở cả bác sĩ và y tá đều phổ biến ở những người trong độ tuổi 30 và số ca bệnh đặc biệt gia tăng với y tá trong những năm gần đây do khối lượng công việc nhiều.
Sách Trắng 2024 là phiên bản thứ 9 được công bố theo Luật về phòng ngừa tử vong do làm việc quá sức mà Nhật Bản ban hành năm 2014. Mỗi phân tích đều nhấn mạnh các chủ đề liên quan đến tử vong do làm việc quá sức, thường là do đột quỵ và đau tim liên quan đến làm việc quá sức cũng như tự tử do căng thẳng liên quan đến công việc.
Nhằm ngăn ngừa tình trạng tử vong do làm việc quá sức, giới chức Nhật Bản đang tìm cách giảm giờ làm việc kéo dài bằng cách khuyến khích nhiều doanh nghiệp triển khai "hệ thống khoảng cách công việc", đảm bảo khoảng cách nhất định giữa các ngày làm việc để đảm bảo người lao động được nghỉ ngơi đầy đủ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!