Cháy rừng tại Siberia. (Ảnh minh họa: Sky News)
Thành phố Yakutsk ở ở vùng Viễn Đông (Nga) bị bao phủ bởi một lớp khói xám xịt từ những đám cháy rừng. Khói cháy rừng bốc lên theo hình xoắn ốc từ khu rừng Taiga hoặc rừng lá kim Siberia rộng lớn.
Mùa cháy rừng diễn ra hàng năm tại Siberia. Tuy nhiên, trong hai năm qua, tình trạng cháy rừng tại đây diễn ra đặc biệt dữ dội. Tháng 6/2021 ở nước Cộng hòa Sakha (còn gọi là Yakutia, thuộc Liên bang Nga) được coi là thời điểm nóng nhất và khô hạn nhất kể từ năm 1888.
Nhân viên cứu hỏa vùng Siberia đào hào, chuẩn bị các phương tiện chống cháy rừng. (Ảnh: Sky News)
Với khí hậu lục địa, nhiệt độ tại đây lên tới 30°C vào mùa hè và tràn ngập muỗi, sau đó giảm xuống đến -70°C ở một số nơi trong mùa đông. Năm nay, nền nhiệt ở huyện Gorny thuộc Yakutia đạt 39°C vào mùa hè, với lượng mưa trong cả tháng chỉ 2mm.
Trong các khu rừng xung quanh Magaras ở huyện Gorny, các tình nguyện viên và lính cứu hỏa có mặt ở mọi nơi, sẵn sàng đối phó với tình trạng cháy rừng vào mùa hè này. Họ đã đào hào và chuẩn bị các trang thiết bị nhằm kiểm soát đám cháy. Trong khi đó, chính quyền địa phương phối hợp hết mình để ngăn chặn tình trạng cháy rừng.
Khói bốc lên từ một vụ cháy rừng ở Siberia. (Ảnh: Sky News)
Một số lính cứu hỏa cho biết, họ đã không ngủ trong 2 hoặc 3 ngày. Trong trận cháy rừng vào năm 2020, họ thậm chí đã không ngủ trong một tuần.
Theo các nhân viên cứu hỏa, đầm lầy với than bùn cũng như rừng rậm ở đây là điều kiện thuận lợi thúc đẩy đám cháy lan rất nhanh. Ngọn lửa làm ấm lớp băng vĩnh cửu hoặc đất đóng băng vĩnh viễn bên dưới mặt đất, từ đó thải ra khí nhà kính. Những đám cháy rừng này chủ yếu là do sét đánh trong các cơn giông khô. Nếu cháy rừng không được kiểm soát, một lượng lớn khí carbon sẽ được giải phóng vào bầu khí quyển, phá hủy các khu rừng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!