Đây là thông tin do Bộ Y tế Canada đưa ra. Theo dữ liệu của Bộ Y tế Canada, tỷ lệ trẻ sinh ra mắc bệnh giang mai đạt 26 trên 100.000 ca sinh sống vào năm 2021, năm gần đây nhất hiện có, tăng từ 2 trẻ vào năm 2017.
Tổng số ca mắc giang mai ở Canada đang trên đà tăng thêm vào năm 2022, theo dữ liệu sơ bộ của Chính phủ nước này.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, trẻ sơ sinh mắc bệnh giang mai bẩm sinh có nguy cơ cao bị nhẹ cân, dị tật xương và khó khăn về cảm giác. WHO cho biết thêm, bệnh giang mai trong thai kỳ là nguyên nhân thứ hai dẫn đến thai chết lưu trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, bệnh giang mai bẩm sinh có thể dễ dàng ngăn ngừa được nếu người nhiễm bệnh tiếp cận với penicillin trong thời kỳ mang thai.
Bé sơ sinh mắc giang mai ở Saskatoon, Saskatchewan, Canada, ngày 26/1/2023. (Ảnh: Reuters)
Trong số các quốc gia giàu có thuộc nhóm G7 có hồ sơ thống kê, chỉ Mỹ có tỷ lệ mắc bệnh giang mai khi sinh cao hơn với trung bình 74 trên 100.000 ca sinh nở còn sống vào năm 2021, cao gấp ba lần con số vào năm 2017, theo số liệu sơ bộ từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ.
Cụ thể, có 2.677 trường hợp mắc bệnh giang mai bẩm sinh ở Mỹ vào năm 2021 với dân số 332 triệu người. Canada có 96 ca nhiễm với dân số 38 triệu người, theo Health Canada.
Các nhà nghiên cứu y tế công cộng thông tin, những người nghèo đói, vô gia cư và sử dụng ma túy, và người không được tiếp cận đầy đủ với hệ thống y tế có nhiều khả năng mắc bệnh giang mai thông qua quan hệ tình dục không an toàn và truyền bệnh cho con của họ.
Teodora Elvira Wi thuộc Chương trình HIV, viêm gan và nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục của WHO cho biết: "Ở các quốc gia có thu nhập cao, bạn sẽ thấy bệnh xuất hiện ở những người có hoàn cảnh khó khăn. Đó là dấu hiệu của sự bất bình đẳng. Đó là dấu hiệu của dịch vụ chăm sóc trước khi sinh chất lượng thấp".
Bộ Y tế Canada nói với Reuters rằng họ đã cử các nhà dịch tễ học đến các địa phương ngăn chặn sự gia tăng bệnh giang mai bẩm sinh. Người phát ngôn Joshua Coke cho biết, Chính phủ liên bang Canada đang mở rộng khả năng tiếp cận xét nghiệm và điều trị trong các cộng đồng bản địa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!