Số ca mắc mới ở Hàn Quốc vẫn ở mức rất cao, dịch bệnh tại Hong Kong (Trung Quốc) diễn biến phức tạp

Quỳnh Chi (Theo Worldometers)-Chủ nhật, ngày 20/02/2022 06:37 GMT+7

Đến nay, hơn 423,23 triệu người đã mắc COVID-19 trên toàn cầu. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Đến sáng 20/2, thế giới có trên 423,23 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 5,89 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 với trên 80 triệu ca mắc và hơn 958.600 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố, tình trạng khẩn cấp quốc gia được ban hành vào tháng 3/2020 do đại dịch COVID-19 sẽ được gia hạn sau ngày 1/3 tới vì nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng do virus SARS-CoV-2 gây ra vẫn hiện hữu. Tổng thống Biden cho biết. số người tử vong vì COVID-19 tại Mỹ hiện tăng lên hơn 900.000 ca, điều này cho thấy, Chính phủ liên bang cần "toàn lực" ứng phó với đại dịch.

Theo quy định của Mỹ, tình trạng khẩn cấp sẽ tự động chấm dứt trừ khi 90 ngày trước khi hết hạn, Tổng thống gửi thư cho Quốc hội nêu rõ cần tiếp tục duy trì tình trạng khẩn cấp. Tổng thống Biden đưa ra ý kiến trên khi một số lãnh đạo địa phương của Mỹ đang tiến tới chấm dứt các biện pháp hạn chế trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh do biến thể Omicron gây ra trên đà giảm.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 19/2, nước này ghi nhận tổng cộng trên 42,8 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 511.200 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 643.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 28 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Bộ Y tế Pháp cho biết, nước này có thể bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang và kiểm tra thẻ vaccine vào giữa tháng 3 tới, nếu số người phải nhập viện điều trị và hồi sức tích cực do COVID-19 ở Pháp tiếp tục xu hướng giảm.

Trong dự báo triển vọng tình hình dịch bệnh mới công bố, Viện Pasteur Pháp bày tỏ lạc quan, làn sóng dịch thứ 5 tại đây sẽ sớm được khống chế. Theo cơ quan này, sang đầu tháng 3, số bệnh nhân phải nhập viện mới mỗi ngày sẽ giảm mạnh, từ mức gần 2.000 ca hiện nay xuống chỉ còn khoảng 500 người. Số bệnh nhân phải hồi sức tích cực trung bình gần 230 ca/ngày cũng giảm còn khoảng 70 trường hợp.

Số ca mắc mới ở Hàn Quốc vẫn ở mức rất cao, dịch bệnh tại Hong Kong (Trung Quốc) diễn biến phức tạp - Ảnh 1.

Pháp dự kiến bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang và kiểm tra thẻ vaccine. (Ảnh: AP)

Bộ trưởng Bộ Y tế Pháp cho biết, nước này có thể bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang và kiểm tra thẻ vaccine nếu hội đủ 2 tiêu chí: các bệnh viện không còn ở trong tình trạng quá tải, cụ thể là tổng số ca phải hồi sức tích cực chỉ còn dao động từ 1.000 - 1.500 trường hợp, và thứ hai là tỷ lệ lây nhiễm tiếp tục đà suy giảm 50% sau mỗi tuần như hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đức Karl Lauterbach đã kêu gọi lãnh đạo 16 bang thực hiện đúng lộ trình kế hoạch từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế chống dịch COVID-19, thay vì "đốt cháy giai đoạn" mà dỡ bỏ qua nhanh. Bộ trưởng Lauterbach đã có cuộc làm việc trực tiếp với lãnh đạo của 16 bang, theo đó ông kêu gọi giới chức các bang không nên vượt ra ngoài lộ trình nới lỏng các quy định phòng dịch như đã nhất trí, đồng thời nhấn mạnh rằng việc thực hiện nới lỏng từng bước là hết sức cần thiết.

Ông nêu rõ, mặc dù đỉnh của làn sóng dịch do biến thể Omicron gây ra ở Đức đã qua, nhưng nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát là hoàn toàn có thể xảy ra. Bộ trưởng Lauterbach khẳng định: "Việc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch nhanh hơn để đạt được mục tiêu chính trị là sai lầm. Chúng ta vẫn chưa thực sự ở vùng an toàn. Nếu chúng ta bãi bỏ quá sớm, không những làn sóng dịch bệnh kéo dài mà số ca mắc mới COVID-19 có thể tăng mất kiểm soát trở lại".

Trước đó, Chính phủ liên bang Đức và các bang đã nhất trí bãi bỏ phần lớn các biện pháp phòng ngừa dịch vào ngày 20/3 theo một kế hoạch gồm lộ trình 3 bước. Số liệu thống kê mới nhất cho biết, trong 24 giờ qua, tại Đức ghi nhận 95.899 ca mắc mới COVID-19 và 102 người thiệt mạng. Tỷ lệ mắc trong 7 ngày trên toàn quốc giảm xuống 1.371,7 ca/100.000 người.

Các nhà khoa học Anh đã cảnh báo về nguy cơ dịch bệnh COVID-19 sẽ gia tăng trở lại nếu như chấm dứt đột ngột các quy định về làm xét nghiệm COVID-19 và cách ly. Cảnh báo này cũng phù hợp với hướng dẫn cập nhật của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong đó nói rõ việc gián đoạn hay rút ngắn các biện pháp xét nghiệm và cách ly sẽ làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm trở lại.

Giới khoa học Anh đưa ra các khuyến cáo trên trong bối cảnh Thủ tướng nước này Boris Johnson dự kiến sẽ công bố kế hoạch "chung sống an toàn với COVID-19" ở vùng England vào ngày 21/2 tới. Kế hoạch sẽ cho phép dỡ bỏ mọi biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 và chấp dứt cung cấp miễn phí các bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 tại nhà, giảm xét nghiệm PCR và bỏ quy định cách ly đối với người mắc COVID-19.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, 6 nước châu Phi gồm Ai Cập, Kenya, Nigeria, Senegal, Nam Phi và Tunisia sẽ được thiết lập dây chuyền sản xuất vaccine công nghệ mRNA từ Trung tâm vaccine mRNA toàn cầu của WHO.

Biện pháp này nhằm đảm bảo châu Phi có thể tự sản xuất vaccine ngừa COVID-19 cũng như các dịch bệnh khác. Đây là những nước châu Phi đầu tiên được tiếp nhận công nghệ này từ WHO. Tổ chức này nhấn mạnh, cần tăng đáng kể năng lực của tất cả các khu vực trong việc sản xuất các sản phẩm y tế, qua đó mới có thể đẩy lùi đại dịch. Tính đến nay, mới chỉ có 11,3% dân số châu Phi hoàn thành chương trình tiêm vaccine cơ bản kể từ khi khởi động chương trình tiêm phòng COVID-19 vào tháng 2/2021.

Số ca mắc mới ở Hàn Quốc vẫn ở mức rất cao, dịch bệnh tại Hong Kong (Trung Quốc) diễn biến phức tạp - Ảnh 2.

Châu Phi sẽ được trang bị dây chuyền sản xuất vaccine công nghệ mRNA. (Ảnh: AP)

Do biến thể Omicron diễn biến phức tạp, Bộ Giáo dục Thanh niên và Thể thao Campuchia vừa quyết định cắt giảm giờ giảng dạy trên lớp để phòng ngừa lây lan dịch bệnh COVID-19. Theo quy định mới, các trường phải tổ chức dạy và học theo chương trình được rút gọn. Giáo viên chỉ tổng hợp và giảng dạy các môn học quan trọng trực tiếp trên lớp, những môn học khác sẽ được hướng dẫn cho học sinh tự nghiên cứu bằng tài liệu. Các trường học có đông học sinh phải tổ chức học theo cụm, chia ca và kết hợp dạy trực tuyến để đảm bảo giãn cách an toàn.

Trường hợp phát hiện giáo viên hoặc học sinh nhiễm COVID-19, trường đó phải tạm ngừng cả lớp học ít nhất một tuần và chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến hoặc tự nghiên cứu.

Hàn Quốc đã bắt đầu tiến hành giám sát việc mua bộ kit xét nghiệm COVID-19 trong bối cảnh số ca lây nhiễm hàng ngày ở nước này đang tăng chóng mặt, trong khi nguồn cung trong nước bị hạn chế. Cụ thể, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc sẽ kiểm tra toàn bộ hơn 75.000 nhà thuốc cùng các cửa hàng tiện lợi, những nơi có bán các bộ kit xét nghiệm, để đảm bảo tuân thủ quy định mới về giới hạn số lượng bán lẻ mặt hàng này. Ngoài ra, cơ quan y tế Hàn Quốc cũng quy định giá trần bán lẻ của một bộ kit xét nghiệm là 6.000 Won (khoảng 5 USD) để hạn chế việc trục lợi từ nâng giá sản phẩm.

Theo quy định của Chính phủ Hàn Quốc, từ ngày 20/2, mỗi cá nhân chỉ được mua tối đa 5 bộ kit xét nghiệm tại một điểm bán lẻ và việc bán hàng online hoàn toàn bị cấm. Quy định này sẽ có hiệu lực trong 3 tuần.

Ngày 19/2, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo, trong ngày qua, nước này có thêm 102.203 ca mắc mới, trong đó có 102.072 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, đưa tổng số người mắc tại nước này lên 1.858.009. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc mới tại Hàn Quốc ở mức trên 100.000 trường hợp trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan mạnh.

Cũng trong 24 giờ qua, số ca tử vong tại Hàn Quốc tăng thêm 71 trường hợp, đưa tổng số người không qua khỏi tại nước này lên 7.354. Trong những tuần gần đây, số ca mắc mới tại Hàn Quốc đã tăng mạnh do sự lây lan của biến thể Omicron. Chỉ trong 1 tuần sau khi lần đầu tiên ghi nhận 50.000 ca hôm 10/2, số ca mắc mới theo ngày tại nước này đã tăng gần gấp đôi, vượt mốc 100.000 ca lần đầu tiên vào ngày 18/2.

Giới chức y tế Hàn Quốc dự đoán, làn sóng lây nhiễm Omicron có thể bắt đầu đạt đỉnh trong khoảng từ cuối tháng 2 và đầu tháng 3, với số ca mắc mới trong 1 ngày có thể lên tới 130.000 - 180.000 ca.

Cùng ngày, đài TVB của Hong Kong (Trung Quốc) đưa tin, số ca mắc mới tại đặc khu hành chính này trong 24 giờ qua có thể lên tới ít nhất 7.000 ca, mức cao nhất từ trước đến nay. Trước đó 1 ngày, Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho rằng, có thể mất tới 3 tháng để ổn định tình trạng lây nhiễm vốn đang đẩy các cơ sở y tế rơi vào tình trạng quá tải và khiến hòn đảo này phải hoãn cuộc bầu cử trưởng đặc khu khóa VI đến ngày 8/5 tới. Theo bà Lâm, chính quyền đặc khu đang lên kế hoạch xét nghiệm đại trà bắt buộc cho toàn bộ người dân, nhưng vẫn loại trừ khả năng phong tỏa.

Hiện các cơ sở cách ly tại Hong Kong đã sử dụng hết công suất, trong khi tỷ lệ giường bệnh trống tại các bệnh viện hiện chỉ còn chưa đến 5%. Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Hong Kong ghi nhận hơn 40.700 ca mắc và gần 300 trường hợp tử vong, thấp hơn so với nhiều thành phố lớn khác. Tuy nhiên, một số chuyên gia dự báo, số ca mắc mới trong ngày ở đặc khu này có thể lên tới 30.000 người vào cuối tháng 3 tới.

Các bang lớn nhất Australia nới lỏng các hạn chế COVID-19 trước khi mở cửa trở lại Các bang lớn nhất Australia nới lỏng các hạn chế COVID-19 trước khi mở cửa trở lại Hơn 200 triệu chứng được báo cáo ở bệnh nhân hậu COVID-19 Hơn 200 triệu chứng được báo cáo ở bệnh nhân hậu COVID-19 'Omicron tàng hình' có thể gây bệnh nặng hơn biến thể gốc, Trung Quốc có 40 ca mắc trong cộng đồng "Omicron tàng hình" có thể gây bệnh nặng hơn biến thể gốc, Trung Quốc có 40 ca mắc trong cộng đồng

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước