Số ca nhiễm Omicron tăng nhanh tại Thái Lan, Trung Quốc ghi nhận ổ dịch mới lan ra nhiều thành phố

Quỳnh Chi (Theo Worldometers)-Chủ nhật, ngày 26/12/2021 06:17 GMT+7

Đến nay, hơn 279,76 triệu người đã mắc COVID-19 trên toàn cầu. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Đến sáng 26/12, thế giới có trên 279,76 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 5,41 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 53  triệu ca mắc và hơn 837.700 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 37.800 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Giới chuyên gia y tế Mỹ đang cảnh báo nguy cơ dịch chồng dịch tại nước này. Nguyên nhân là do số ca mắc mới COVID-19 ngày một tăng kết hợp với nguy cơ một đợt bùng phát dịch cúm trong các kỳ nghỉ lễ sắp tới. Tỷ lệ bệnh nhân có những triệu chứng giống cúm phải nhập viện đã tăng gần 34%. Trung bình trong 7 ngày qua, mỗi ngày có khoảng 250 bệnh nhân mắc cúm phải nhập viện, cao gần gấp đôi so với mùa cúm năm trước.

Trong khi đó, số ca nhập viện do mắc COVID-19 trong tuần qua là 8.400 người, tăng 5% so với tuần trước đó. Điều này càng làm trầm trọng hơn tình trạng quá tải tại các bệnh viện và các cơ sở y tế. Các chuyên gia Mỹ tiếp tục khuyến nghị nên đeo khẩu trang KN95 hoặc N95 để ngừa COVID-19 bởi khẩu trang phòng độc N95 có thể lọc tới 95% các hạt trong không khí.

Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) đã quyết định giảm thời gian cách ly đối với các nhân viên y tế nhiễm virus SARS-CoV-2 nhằm khắc phục tình trạng thiếu nhân lực tại bệnh viên trong bối cảnh số ca nhiễm mới và nhập viện tăng cao. CDC Mỹ khuyến nghị, nhân viên y tế mắc COVID-19 nhưng không có triệu chứng có thể trở lại làm việc sau 7 ngày cách ly và có xét nghiệm âm tính. Thời gian cách ly có thể ngắn hơn nữa nếu bệnh viện vẫn thiếu nhân lực. Hướng dẫn mới được áp dụng đối với tất cả các cơ sở chăm sóc sức khỏe trực tiếp liên quan đến chăm sóc bệnh nhân như bệnh viện, cơ sở dưỡng lão, phòng khám nha khoa và các cơ sở y tế khác tại Mỹ.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 25/12, nước này ghi nhận tổng cộng trên 34,77 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 479.500 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19. Ấn Độ đã chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng các trường hợp nhiễm Omicron với 415 ca trên 17 bang tại quốc gia Nam Á này.

Ngày 25/12, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thông báo, nước này sẽ bắt đầu triển khai tiêm liều tăng cường vaccine phòng COVID-19 như một biện pháp phòng ngừa cho các nhân viên y tế và tuyến đầu từ ngày 10/1/2022, trong bối cảnh các ca nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 tăng lên trên khắp Ấn Độ. Trong bài phát biểu toàn quốc, ông Modi cũng cho biết, những người từ 15-18 tuổi sẽ bắt đầu được tiêm vaccine phòng COVID-19 từ ngày 3/1 và những người trên 60 tuổi mắc các bệnh nền sẽ được tiêm mũi tăng cường sau khi có khuyến nghị của bác sĩ.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 618.400 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 22,2 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại châu Âu. Ngày 25/12, Pháp ghi nhận số ca mắc mới theo ngày ở mức cao nhất từ khi dịch bùng phát với hơn 104.600 trường hợp. Giới chuyên gia cho rằng, số ca mắc tại Pháp sẽ tiếp tục gia tăng trong bối cảnh các gia đình tụ họp dịp lễ cuối năm và sự xuất hiện của biến thể Omicron. Hơn 76% dân số Pháp đã hoàn thành 2 mũi tiêm vaccine COVID-19. 

Trong khi đó, số bệnh nhân nhập viện cũng đã lên con số cao nhất trong 7 tháng qua, buộc Chính phủ nước này triệu tập cuộc họp khẩn cấp vào ngày 27/12.

Số ca nhiễm Omicron tăng nhanh tại Thái Lan, Trung Quốc ghi nhận ổ dịch mới lan ra nhiều thành phố - Ảnh 1.

Các chuyên gia dự báo, số ca mắc tại Pháp sẽ tiếp tục gia tăng. (Ảnh: AP)

Vương quốc Anh, số ca mắc mới trong 7 ngày qua đã tăng 48% so với một tuần trước đó, trong khi số người nhập viện và tử vong tăng ít hơn. Anh là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 ở châu Âu, với số ca tử vong do bệnh dịch này đã lên tới 147.857 người.

Bộ Y tế Italy đã cho phép những người 16-17 tuổi và trẻ vị thành niên có thể trạng yếu, nguy cơ nhiễm bệnh cao được tiêm mũi vaccine COVID-19 tăng cường. Quy định được áp dụng bắt đầu từ tuần sau. Ngoài ra, Cơ quan Quản lý dược phẩm Italy sẽ ra quyết định về việc tiêm mũi vaccine tăng cường đại trà cho trẻ em từ 12-15 tuổi vào cuối tháng 1/2022. Bên cạnh đó, Bộ Y tế Italy cũng đã điều chỉnh thời gian tối thiểu giữa lần tiêm mũi thứ 2 và liều tăng cường từ 5 tháng xuống còn 4 tháng.

Bộ Y tế Italy cũng đã quyết định những điều chỉnh trên khi dịch COVID-19 đang tiếp tục lây lan ở nước này. Theo báo cáo giám sát COVID-19 mới nhất của Viện Y tế quốc gia và Bộ Y tế Italy, tỷ lệ mắc COVID-19 đã tăng lên 351 ca/100.000 dân trong tuần từ ngày 17 - 23/12, so với 241 ca/100.000 dân của tuần trước đó.

Bộ Y tế Nam Phi thông báo dừng việc truy vết và cách ly những người tiếp xúc với ca dương tính với COVID-19. Việc truy vết chỉ còn được áp dụng với những trường hợp tụ họp đông người hoặc có chùm ca lây nhiễm, khu vực khép kín. Tất cả những người tiếp xúc với ca dương tính dù đã tiêm hay chưa tiêm vaccine đều được hướng dẫn sinh hoạt và làm việc bình thường, chú ý theo dõi thân nhiệt hàng ngày và kiểm tra các triệu chứng. Việc xét nghiệm chỉ được tiến hành khi người tiếp xúc với F0 có triệu chứng và được quản lý tùy theo mức độ nghiêm trọng.

Bộ Y tế Nam Phi hướng dẫn những người mắc COVID-19 có thể kết thúc cách ly và trở lại làm việc sau 8-10 ngày tùy thuộc vào tình trạng bệnh và không yêu cầu xét nghiệm trước khi quay lại làm việc với những người đã hoàn thành việc cách ly.

Kết quả lấy mẫu ngẫu nhiên mới nhất của Bộ Y tế Thái Lan đối với các trường hợp mắc COVID-19 ở nước này cho thấy, khoảng 16% nhiễm biến thể Omicron. Trợ lý phát ngôn viên Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) Apisamai Srirangson cho biết, đã có 205 ca được xác nhận nhiễm biến thể Omicron tính đến ngày 24/12. Việc lấy mẫu ngẫu nhiên 874 ca mắc COVID-19 được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 20 - 23/12. Trong số này, 16,2% nhiễm biến thể Omicron, số còn lại là chủng Delta.

Trong số 874 ca nói trên, có 221 ca nhập cảnh theo chương trình "Xét nghiệm và Lên đường" (Test & Go) và hơn một nửa trong số đó (52,9%) được xác nhận nhiễm biến thể Omicron.

Số ca nhiễm Omicron tăng nhanh tại Thái Lan, Trung Quốc ghi nhận ổ dịch mới lan ra nhiều thành phố - Ảnh 2.

Số ca mắc COVID-19 mới tại Trung Quốc tăng cao. (Ảnh: AP)

Để chuẩn bị cho việc mở cửa đón khách du lịch trở lại từ ngày 1/1/2022, Lào đang triển khai thí điểm chương trình tiêu chuẩn LaoSafe về an toàn sức khỏe và dịch tễ trong lĩnh vực du lịch và khách sạn tại thủ đô Vientiane. Đây là dự án do Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào thực hiện dưới sự hỗ trợ của Chính phủ các nước Luxembourg và Thụy Sĩ.

Ngày 25/12, Bộ Y tế Lào cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.007 ca mắc mới COVID-19 tại 18 tỉnh, thành phố và 12 người tử vong do COVID-19, trong đó chỉ có 2 trường hợp là người nhập cảnh. Thủ đô Vientiane tiếp tục đứng đầu cả nước với 500 ca cộng đồng trong một ngày. Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào hiện là 105.380 ca, trong đó có 317 người thiệt mạng.

Tại Trung Quốc, ngày 25/12, Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) thông báo, Trung Quốc đại lục ghi nhận 140 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 25/12, trong đó 87 trường hợp lây nhiễm trong nước và 53 người nhập cảnh. Trong số ca lây nhiễm mới trong nước, 78 trường hợp ghi nhận tại tỉnh Sơn Tây, 5 ở Quảng Tây và 4 ở Vân Nam. Ngoài ra, có 24 ca nhiễm mới không triệu chứng, trong đó 20 trường hợp nhập cảnh. Không có thêm ca tử vong nào do COVID-19 tại Trung Quốc đại lục.

Tính đến ngày 25/12, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận tổng cộng 100.871 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.636 người tử vong.

Trung Quốc, đất nước có gần 1,4 tỷ dân, đang thực hiện các giải pháp mạnh hơn để khống chế dịch COVID-19 trong bối cảnh số ca mắc mỗi ngày không cao nhưng dịch bệnh tái đi tái lại tại nhiều địa phương mà chưa dập dứt điểm trong suốt hơn 2 tháng nay. Nước này lại sắp bước vào các kỳ nghỉ lễ lớn cùng 2 sự kiện Olympic mùa Đông 2022 càng làm cho các địa phương áp đặt thêm các giải pháp mạnh tay nhằm khống chế dịch.

Tỉnh Thiểm Tây đang là tâm điểm của đợt dịch này ở Trung Quốc, với 75 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua tại thành phố Tây An. Từ ngày 23/12, thành phố du lịch nổi tiếng Tây An với 13 triệu dân gần như bị phong tỏa. Thành phố Tây An hiện có 111 khu vực nguy cơ trung bình và 1 khu vực nguy cơ cao bị quản lý khép kín. 4.000 điểm xét nghiệm axit nucleic đã được nhanh chóng thiết lập để tiến hành xét nghiệm đại trà nhiều lần cho 13 triệu dân.

Sau khi Phó Thủ tướng nước này thị sát và xác định tình hình nghiêm trọng, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung Ương Trung Quốc đã ra quyết định cách chức và kỷ luật 26 quan chức vì không sâu sát, phản ứng chống dịch không thống nhất không nghiêm khiến cho ổ dịch hơn 250 ca này đã lây lan tới 5 thành phố, trong đó có thủ đô Bắc Kinh

Tình hình dịch ở Trung Quốc cũng đang diễn biến phức tạp tại những nơi trọng điểm kinh tế ở các tỉnh phía Đông cùng nhiều tỉnh thành giáp biên giới với Việt Nam, Myanmar…

Một hội đồng thuộc Bộ Y tế Nhật Bản vừa khuyến nghị cấp phép sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir do hãng dược Merck của Mỹ phát triển. Đây là một phần trong kế hoạch của Thủ tướng Kishida Fumio dự định triển khai trong năm 2022 để điều trị cho các bệnh nhân COVID-1. Nhật Bản đang đặt kỳ vọng lớn vào phương pháp điều trị với thuốc dạng uống này. Tháng 11, Chính phủ nước này đã nhất trí trả cho Merck khoảng 1,2 tỷ USD để mua 1,6 triệu liều thuốc Molnupiravir.

Hiện thuốc kháng virus Molnupiravir đã được nhiều nước đưa vào phác đồ điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Israel có thể triển khai tiêm mũi vaccine thứ tư, chuyên gia quốc tế lo ngại Israel có thể triển khai tiêm mũi vaccine thứ tư, chuyên gia quốc tế lo ngại Campuchia thúc đẩy du lịch sau hơn 1 năm đóng cửa Campuchia thúc đẩy du lịch sau hơn 1 năm đóng cửa Pháp ghi nhận mức tăng ca mắc COVID-19/ngày tồi tệ nhất Pháp ghi nhận mức tăng ca mắc COVID-19/ngày tồi tệ nhất

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước