Hàng nghìn người đã phải sơ tán vì lũ lụt. Với những trận mưa lớn vẫn tiếp diễn ở một số nơi, giới chức các nước Trung Âu lo ngại rằng có thể sẽ còn nhiều thiệt hại do mưa lũ trong những ngày tới.
Lũ lụt đã tàn phá các thị trấn, phá hủy cầu và làm vỡ đập kể từ khi mưa lớn từ bão Boris - một hệ thống áp suất thấp di chuyển chậm - bắt đầu diễn ra vào tuần trước. Các nhân viên cứu hộ đã thực hiện nhiều cuộc giải cứu táo bạo đối với người dân và thậm chí cả vật nuôi khi giới chức các địa phương bị ảnh hưởng đánh giá quy mô thiệt hại.
Romania
Tiến sĩ Raed Arafat - người đứng đầu Cơ quan Tình trạng Khẩn cấp thuộc Bộ Nội vụ Romania - cho biết vào ngày 16/9 rằng 7 người đã tử vong do lũ lụt ở nước này. Tất cả các trường hợp thiệt mạng xảy ra từ ngày 13/9 đến ngày 14/9 và đều ở quận Galat - nằm ở biên giới phía Đông với Moldova. Một đánh giá sơ bộ cho thấy khoảng 5.500 hộ gia đình ở Galati bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Tại quận Vaslui ở phía Bắc, khoảng 120 hộ gia đình bị ảnh hưởng.
Dòng nước lũ dâng cao ở làng Slobozia Conachi, Romania, ngày 14/9 (Ảnh: AFP/Getty)
Ông Arafat nhận định đây là "một trong những trận lũ lụt tồi tệ nhất trong những năm gần đây".
Bộ trưởng Bộ Môi trường Romania - Mircea Fechet - nói với hãng thông tấn AP rằng một số khu vực đã hứng chịu hơn 0,2 m3 nước mưa/m². Ông Mircea Fechet cho biết: "Những gì chúng tôi đang cố gắng làm ngay bây giờ là cứu càng nhiều người càng tốt".
Ba Lan
Ít nhất 5 người đã tử vong ở Ba Lan - Piotr Blaszczyk, phát ngôn viên của Trung tâm An ninh Chính phủ Ba Lan, báo cáo hôm 16/9. Ông cho biết Chính phủ nước này vẫn chưa xác nhận liệu cái chết của họ có "liên quan trực tiếp đến trận lũ lụt thảm khốc" hay không, nhưng các báo cáo ban đầu cho thấy họ được tìm thấy ở "những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng do mực nước dâng cao".
Mặc dù cơn bão đã đi qua, "nhiều con sông mực nước vẫn ở mức cao nguy hiểm, đe dọa gây thêm thiệt hại cho cơ sở hạ tầng, nhà cửa và đất nông nghiệp" - ông Blaszczyk viết.
Một số đập chắn lũ đã bị vỡ gây ra hậu quả tàn khốc. Anna Szumanska - phát ngôn viên của Bộ Cơ sở hạ tầng Ba Lan - cho biết các con đập đã bị hư hại hoặc vỡ, bao gồm cả ở Stronie Slaskie, một thị trấn phía Tây Nam trên sông Morawka. "Nước bắt đầu chảy không kiểm soát" - bà Szumanska viết.
Đống đổ nát và đường phố ngập lụt ở Ladek-Zdroj - thị trấn nghỉ dưỡng ở phía Tây Nam Ba Lan, ngày 15/9 (Ảnh: EPA/Shutterstock)
Theo ông Blaszczyk, mặt đất đã bão hòa và mực nước ở một số con sông quá cao nên vẫn có nguy cơ lũ lụt tiếp tục xảy ra.
Các quan chức Ba Lan đã họp vào ngày 16/9 để quyết định xem có nên tuyên bố thảm họa quốc gia hay không. Ông Blaszczyk thông tin các cơ sở trú ẩn tạm thời đã được lập ra tại các trường học và trung tâm cộng đồng. Nhiều viên chức đã làm việc nhiều ngày mà không được nghỉ ngơi - ông Rozyk, phát ngôn viên của Bộ Khí hậu, cho biết từ Opole, một thành phố trong vùng bị ngập lụt.
"Tình hình vẫn chưa được kiểm soát ở tất cả các địa phương. Tuy nhiên, mưa đã tạnh, vì vậy đó là tin tốt" - ông Rozyk nói.
Cộng hòa Czech
David Schön, phát ngôn viên của cảnh sát Czech, cho biết ít nhất 2 người đã thiệt mạng trong trận lũ lụt và 12 người mất tích. Ông Schön cho biết trong một email rằng hơn 12.000 người đã được sơ tán ở vùng Moravian-Silesian, vùng Olomouc và vùng Nam Moravian - tất cả đều ở miền Đông.
Tài sản bị hư hại khi nước lũ dâng cao sau trận mưa lớn vào ngày 15/9 tại Jesenik, Cộng hòa Czech (Ảnh: AFP/Getty)
Áo
Theo Paul Eidenberger - một viên chức báo chí của Bộ Nội vụ Áo, ít nhất 3 người đã thiệt mạng ở nước này. Một lính cứu hỏa tình nguyện đã tử vong khi bị trượt chân trên cầu thang trong khi bơm nước ra khỏi tầng hầm. Hai người đàn ông lớn tuổi đã qua đời sau khi bị mắc kẹt bên trong nhà của họ - ông Eidenberger cho biết.
Lũ lụt đã ảnh hưởng đến các cộng đồng trên khắp nước Áo nhưng "những vấn đề, thiệt hại và lũ lụt đáng kể nhất" xảy ra ở Hạ Áo - bang lân cận thủ đô Vienna.
Lính cứu hỏa đứng cạnh các bao cát chất thành đống để chống lũ lụt ở Hadersdorf am Kamp, Áo, ngày 16/9 (Ảnh: AFP/Getty)
Thành phố Vienna với khoảng 2 triệu dân cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt. Giao thông công cộng đã bị đình chỉ hoặc hạn chế nghiêm ngặt. "Dòng sông đã trở thành một dòng nước lũ dữ dội", ông Eidenberger viết.
Hàng trăm người đã được giải cứu khỏi các mái nhà bằng trực thăng. Hàng chục nghìn tình nguyện viên đã được triển khai trên khắp nước Áo, riêng bang Hạ Áo có khoảng 20.000 người.
Các con đập vẫn đang đe dọa tràn bờ. “Đó là tình hình khó khăn nhất hiện nay” - Markus Duerauer, sĩ quan liên lạc của Hiệp hội Cứu hỏa bang Hạ Áo, cho biết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!