Theo UNICEF, kể từ đầu năm đến nay, đã có hơn 11.000 trẻ vị thành niên một mình vượt Địa Trung Hải đến Italy, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2022. Những đứa trẻ sống sót sau cuộc hành trình sau đó đã được chuyển đến các cơ sở tiếp nhận. Và theo ước tính, hiện có tới gần 22.000 trẻ em không có người đi cùng đang ở các trung tâm như vậy trên khắp Italy.
Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, tính từ đầu năm đến nay, hơn 2.500 người di cư, trong đó có nhiều trẻ em đã thiệt mạng và mất tích trên Địa Trung Hải khi tìm cách vào châu Âu.
Giám đốc Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) New York, bà Ruven Menikdiwela nhấn mạnh, tuyến đường di cư qua biển Địa Trung Hải từ các bờ biển Tunisia, Libya là một trong những tuyến đường nguy hiểm nhất thế giới.
Cũng trong khoảng thời gian trên, có khoảng 186.000 người di cư thông qua tuyến đường biển Nam châu Âu đã đặt chân đến Italy, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Cyprus và Malta. Trong số đó, có hơn 130.000 người đến Italy, tăng 83% so với cùng thời gian năm 2022.
Về điểm khởi hành của người di cư, từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay, ước tính có hơn 102.000 người tị nạn và di cư tìm cách vượt biển Địa Trung Hải từ Tunisia và 45.000 người từ Libya. Bà Menikdiwela cho biết thêm, ước tính có khoảng 31.000 người đã được cứu trên biển hoặc bị chặn lại và đưa lên bờ ở Tunisia cùng 10.600 người tương tự ở Libya.
Trước áp lực nặng nề do lượng người di cư từ châu Phi ngày càng tăng, Italy đã phải tìm kiếm sự can thiệp của Liên hợp quốc, đồng thời kêu gọi EU chia sẻ trách nhiệm để giải quyết vấn đề.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!