Sự sụp đổ đã được đoán định của Topshop và bài học cho các nhãn hàng thời trang

Nguyễn Hà-Thứ tư, ngày 02/12/2020 16:23 GMT+7

Topshop đứng trước nguy cơ phá sản

VTV.vn - Người yêu thích thời trang đã từng mê mệt những món đồ của thương hiệu thời trang Anh mang tên Topshop. Còn giờ, điều gì đã khiến thương hiệu ấy bước tới bờ vực sụp đổ?

Arcadia - Biểu tượng thời trang Anh sụp đổ

Ngày hôm qua, giới kinh doanh thời trang cũng như những người đam mê các thương hiệu như Topshop, Miss Selfridge và Dorothy Perkins đã nhận được một tin chẳng mấy vui vẻ. Đó là Arcadia, tập đoàn mẹ của các thương hiệu trên thông báo đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Đây là một trong những vụ phá sản ngành bán lẻ lớn nhất tại Anh từ đầu đại dịch COVID-19 tới nay.

Sự sụp đổ đã được đoán định của Topshop và bài học cho các nhãn hàng thời trang - Ảnh 1.

Một cửa hàng Topshop tại Anh

Mặc dù vậy, hãng Arcadia cho biết các cửa hàng của họ sẽ vẫn tiếp tục hoạt động và chưa nhân viên nào bị sa thải. Họ vẫn đang loay hoay tìm phương án để bảo vệ 13.000 việc làm, cũng như các thương hiệu con trước cuộc khủng hoảng của ngành thời trang trong đại dịch COVID-19.

Từ đầu năm 2020, Arcadia đã phải cắt giảm 500 nhân viên ở trụ sở. Công ty đã gặp khó từ trước khi đại dịch xuất hiện. Tháng 6/2019, họ thoát phá sản trong gang tấc khi đàm phán được việc trả nợ và tái cấu trúc công ty.

Những sai lầm dẫn tới sự sụp đổ đã được đoán định

Bê bối trốn thuế thu nhập cá nhân của tỷ phú Philip Green, ông chủ tập đoàn Arcadia là một trong số những nguyên nhân dẫn tới sự bết bát trong kinh doanh của tập đoàn này. Có nhiều thông tin về việc ông này đã rút quỹ tiền lãi cổ phần Arcadia cho gia đình, thay vì tái đầu tư cho các thương hiệu. Vì thế, tập đoàn này đối mặt với sự tẩy chay của các nhà đầu tư. Trước đó, trong thời hoàng kim của Arcadia, tỷ phú này đã được Nữ hoàng Anh phong tước hiệp sĩ. Thế nhưng, những lùm xùm về các phát ngôn phân biệt đối xử, các cáo buộc về quấy rối tình dục, phân biệt chủng tộc và ngược đãi nhân viên của ông đã làm mờ hình tượng một tỷ phú đã từng được người dân Anh yêu quý. Với quá nhiều bê bối cá nhân, nhiều người dân Anh kêu gọi tước bỏ danh hiệu hiệp sĩ của tỷ phú Philip Green. Với một tập đoàn, doanh nghiệp mà người đứng đầu không được công chúng hay các nhà đầu tư yêu quý thì sẽ rất khó khăn trong việc duy trì danh tiếng.

Sự sụp đổ đã được đoán định của Topshop và bài học cho các nhãn hàng thời trang - Ảnh 2.

Tỷ phú Philip Green, ông chủ Tập đoàn Arcadia

Sự yếu kém trong chiến lược thích ứng với môi trường kinh doanh cũng là một phần nguyên nhân khiến đế chế thời trang Arcadia dần sụp đổ. Topshop gặp khó khi đương đầu với các đối thủ mới trong phân khúc thời trang giá rẻ như Zara của Inditex, H&M và Primark. Topshop cho rằng việc giảm giá mạnh để chiếm lĩnh thị trường có thể giúp họ vượt qua được toàn bộ các đối thủ cạnh tranh. Thế nhưng, chưa hiểu rõ được hành vi và thói quen tiêu dùng của khách hàng, Topshop chỉ mải mê giảm giá trong khi người tiêu dùng có nhiều lựa chọn về nơi mua sắm và họ tìm được những thương hiệu vừa rẻ, vừa cung cấp các phong cách thời trang mới với tốc độ chóng mặt.

Sự sụp đổ đã được đoán định của Topshop và bài học cho các nhãn hàng thời trang - Ảnh 3.

Topshop giảm giá kích thích mua sắm

Topshop đã thua trong việc phát triển thương hiệu với những khách hàng trẻ trung, năng động. Giới trẻ đã bị các thương hiệu thời trang nhanh đối thủ mê hoặc và chẳng còn mặn mà với phong cách, hình tượng mà Topshop hướng tới.

Natalie Berg, nhà phân tích bán lẻ tại NBK Retail cho biết: "Topshop đã bị tụt hậu về mức độ phổ biến vì cách tiếp cận nửa vời trong việc nắm lấy công nghệ".

Khả năng cạnh tranh yếu kém đã khiến cho Topshop tại Mỹ phải đóng cửa. Từ tháng 5/2019, thương hiệu thời trang bình dân Anh Quốc Topshop đã dần đóng cửa toàn bộ 11 cửa hàng tại Mỹ vì kinh doanh thua lỗ. Tập đoàn Arcadia ước tính tài sản của họ tại Mỹ lúc đó chỉ vào khoảng 53 triệu USD, trong khi nợ lên đến 179 triệu USD. Sau Mỹ, Topshop cũng dần đóng thêm 23 cửa hàng ở quê nhà Anh Quốc trong năm 2019.

Khi cả thế giới dần dịch chuyển sang phát triển thị trường trực tuyến thì Topshop chậm trễ thay đổi, vì thế cũng chẳng thể cạnh tranh với các nhà bán lẻ thời trang trực tuyến như ASOS và Boohoo. Việc thuê mặt bằng của Topshop quá lớn, khi số lượng cửa hàng lên tới hơn 500 trên toàn thế giới. Trong khi đó, các hãng thời trang khác đã dần chuyển sang bán hàng online, giảm chi phí mặt bằng. Một lần nữa, Topshop lại phải cắt giảm chi phí vận hành, chi phí thuê địa điểm. Nhưng đây cũng lại là sai lầm kinh doanh của Topshop. Việc cắt giảm chi phí đã làm cho những cửa hàng vốn hào nhoáng trở nên buồn tẻ, mất đi sự ấn tượng với người tiêu dùng.

Giờ đây, sự chậm trễ trong chuyển đổi số sang thị trường trực tuyến của Topshop nói riêng và Arcadia nói chúng đã cho thấy cái giá của nó. Một số nguồn tin cho biết đã có ứng cử viên có thể tham gia mua lại thương hiệu nổi tiếng của Arcadia sau khi tập đoàn này nộp đơn phá sản. Đó là tập đoàn thời trang nhanh trực tuyến Boohoo. Trái ngược với Arcadia, ngay từ đầu khi xảy ra đại dịch COVID-19, Boohoo đã huy động được 198 triệu bảng Anh cho các cơ hội mua bán sáp nhập mới. Trước đó, Boohoo đã thâu tóm Oasis và Warehouse, khi 2 thương hiệu này nộp đơn phá sản vào tháng 4 năm nay.

Sự sụp đổ đã được đoán định của Topshop và bài học cho các nhãn hàng thời trang - Ảnh 4.

Thương hiệu thời trang trực tuyến Boohoo

Trước COVID-19, để ngăn chặn sự sụp đổ vào tháng 6/2019, Arcadia giành được sự ủng hộ của các chủ nợ cho kế hoạch giải cứu liên quan đến việc đóng cửa khoảng 50 cửa hàng, sa thải 1.000 nhân viên và cắt giảm tiền thuê tới 50%. Thế nhưng, Brexit cũng là một phần nguyên nhân dẫn tới sự tụt dốc của Arcadia khi mà tập đoàn gặp khó trong việc tiếp cận các kế hoạch tài chính để giải cứu Arcadia khỏi phá sản. Một số nhà phân tích đã đưa ra cảnh báo về thỏa thuận Brexit cứng có thể cản trở kế hoạch giải cứu 3 năm của Arcadia khỏi phá sản. Trong năm 2019, tài sản của Arcadia Group giảm 1 tỷ USD. Trước đó, kể từ năm 2016, Arcadia chứng kiến khối tài sản khổng lồ dần bị thổi bay, chỉ còn 2,5 tỷ USD vào tháng 7/2019.

Câu chuyện chung của ngành thời trang

Đại dịch COVID-19 là một đòn giáng mạnh vào ngành bán lẻ thời trang thế giới. Nhiều đại gia bán lẻ, những thương hiệu nổi tiếng nhiều năm tuổi cũng chẳng thể thoát nổi ảnh hưởng của COVID-19. Ascena, Brooks Brothers, J.Crew, Neiman Marcus, JCPenney phải chấp nhận phá sản. Đại dịch COVID-19 thậm chí cũng chẳng bỏ qua các nhãn hàng thời trang xa xỉ khiến doanh số bán hàng giảm. Một số nhãn hiệu thời trang xa xỉ lần đầu tiên trong lịch sử phải bắt đầu bán hàng đã qua sử dụng hoặc dùng tới những nền tảng bán hàng trực tuyến để tiếp cận khách hàng tiềm năng. Marks & Spencer (MAKSY) và Selfridges thông báo cắt giảm việc làm. Kết quả kinh doanh tại các cửa hiệu yếu kém do tác động của việc phải đóng cửa giãn cách xã hội trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng.

Sự sụp đổ đã được đoán định của Topshop và bài học cho các nhãn hàng thời trang - Ảnh 5.

Ngành thời trang mùa COVID-19

Nhu cầu mua sắm của người dân với các sản phẩm thời trang sụt giảm. Theo tính toán, chi tiêu tiêu dùng tại Anh đã giảm đến 1/5, tương đương 20,6%, so với mức chi tiêu thông thường. Thêm vào đó, doanh số bán thời trang nhanh tại nước này cũng dự kiến sẽ giảm 11,1 tỷ bảng Anh (13,06 tỷ USD). Đây là số tiền khổng lồ tương đương với tổng doanh số bán quần áo của 3 ông lớn trên thị trường may mặc Anh là Primark, Marks & Spencer và Next.

Lối thoát nào cho ngành thời trang nhanh?

Nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng sẽ là chìa khóa cho các hàng thời trang nhanh trước những thay đổi do đại dịch COVID-19 tạo ra. Ví dụ như khi giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp cho làm việc từ xa thì nhu cầu mua quần áo mặc ở nhà tăng lên, trong khi nhu cầu mua đồ mặc đi làm giảm xuống. Hay như khi nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng cao thì khách hàng sẽ muốn được trải nghiệm những dịch vụ khách hàng trên mạng chuyên nghiệp hơn. Thêm vào đó, đại dịch càng cho thấy việc quản lý chuỗi cung ứng, cắt giảm chi phí luôn là cần thiết để các doanh nghiệp có thể dễ dàng tái cơ cấu, xoay xở khi có biến cố. Như vậy, các doanh nghiệp cần hiểu rằng chính những thay đổi cấp tiến theo kịp nhu cầu của khách hàng, khả năng ứng biến và thay đổi mô hình kinh doanh mới có thể giúp họ dần dần thoát ra khỏi vũng bùn lầy COVID-19.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước