Các nước nghèo đã được hứa từ năm 2009 rằng đến năm 2020 sẽ nhận được ít nhất 100 tỷ USD mỗi năm từ các nước giàu hơn để cắt giảm khí thải và đối phó với thời tiết khắc nghiệt. Hơn 10 năm nay, hỗ trợ từ các nước giàu vẫn mỗi năm mỗi tăng, nhưng chưa bao giờ tới được con số 100 tỷ một năm như cam kết. Năm ngoái, tất cả các khoản viện trợ do các nước giàu chi trả cho các nước kém phát triển chỉ mới được gần 80 tỷ USD. Các tính toán mới đây cho thấy, có hỗ trợ đủ 100 tỷ mỗi năm thì cũng còn xa mới đáp ứng nhu cầu.
Ông Akinwumi Adesina - Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Phát triển châu Phi cho biết: "Châu Phi mất từ 7 đến 15 tỷ USD mỗi năm do biến đổi khí hậu và có thể mất tới 50 tỷ USD vào năm 2040. Châu Phi sẽ cần 336 tỷ USD để ứng phó biến đổi khí hậu, đấy là chưa bao gồm vài tỷ USD cần thiết để phục hồi sau đại dịch".
Mỹ, Đức, Canada, Nhật Bản và các quốc gia khác đã thông báo tài trợ bổ sung, nhưng vẫn cần nhiều hơn nữa. Ấn Độ, Nga và Trung Quốc, cũng là những nước có lượng phát thải rất cao, thì hầu như im lặng, chỉ có Liên minh châu Âu đi đầu trong thực hiện cam kết. Năm 2020, phía châu Âu đã đóng góp 21 tỷ USD từ ngân sách công và tiếp tục đưa ra các kế hoạch huy động nguồn tài chính tư nhân để giúp các nước đang phát triển chống biến đổi khí hậu.
Bà Ursula Von Der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu phát biểu: "Chân trời châu Âu" là chương trình đổi mới và nghiên cứu đa quốc gia lớn nhất thế giới, trị giá 85 tỷ euro, chương trình này sẽ dành ít nhất 35% ngân sách cho các mục tiêu khí hậu. Tôi cũng rất vui mừng, hôm nay cùng với ông Bill Gates và Ngân hàng Đầu tư châu Âu tuyên bố ra mắt "Chương trình Xúc tác" của Liên minh châu Âu trị giá 1 tỷ euro. Chương trình sẽ tài trợ đổi mới công nghiệp, đổi mới mang tính đột phá, nhằm tạo ra những công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu".
Các quốc gia công nghiệp phát triển chịu trách nhiệm với phần lớn lượng khí nhà kính tích tụ trong khí quyển. Tuy nhiên, nhiều quốc gia nghèo hơn, kém phát triển hơn lại đang phải gánh chịu tác động của biến đổi khí hậu.
Tổng thống Malawi phát biểu tại Hội nghị COP26 lần này với tuyên bố mạnh mẽ rằng: "Số tiền mà các nước giàu cam kết dành cho các nước kém phát triển nhất không phải tiền quyên góp, mà là chi phí dọn sạch".
Về vấn đề cam kết tài trợ, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhận định, lòng tin cần được xây dựng lại giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển thông qua việc thực hiện lời hứa. Đây không phải là một cam kết mang tính biểu tượng, mà là một cam kết quan trọng trong cuộc chiến với biến đổi khí hậu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!