Báo cáo khí hậu của Liên Hợp Quốc cho thấy, mực nước biển đã tăng trung bình từ 2,1mm trong giai đoạn 1993-2000 lên 4,4 mm mỗi năm trong giai đoạn 2013-2021. Nguyên nhân phần lớn do các sông băng và tảng băng tan chảy. Nửa đầu tháng 7 vừa qua đã chứng kiến lượng băng biển tụt xuống mức thấp kỷ lục do băng ở Bắc Cực tan nhanh. Nước biển dâng cao đồng nghĩa đe dọa nhấn chìm các cộng đồng và thành phố ven biển.
Năm 2015, các quốc gia ký kết Hiệp định Paris nhằm hạn chế mức gia tăng nhiệt độ toàn cầu để tránh những tác động tồi tệ của biến đổi khí hậu. Thế nhưng từ 2015 đến năm 2021, 7 năm qua lại sẽ là 7 năm nóng nhất trong lịch sử được ghi nhận.
Tháng 7/2021 cũng là tháng nóng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử nhân loại, theo những dữ liệu được Cơ quan Khí quyển và Đại dương Mỹ công bố làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về cuộc khủng hoảng khí hậu mà thế giới hiện phải đối mặt.
Mật độ khí gây hiệu ứng nhà kính trong khí quyển đã tăng lên mức kỷ lục trong năm ngoái và nhiều khả năng xu hướng tăng này sẽ tiếp tục trong năm 2021. Báo cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới của Liên Hợp Quốc cho biết, nồng độ của cả ba loại khí gây hiệu ứng nhà kính chính, gồm CO2, metan và N2O đều tăng trong năm ngoái. Trong đó khí CO2 là tác nhân chính, chiếm tới 66% tác động khiến Trái đất nóng lên. Hiện khoảng một nửa lượng CO2 do hoạt động của con người vẫn tồn đọng trong khí quyển, số còn lại thải ra đại dương và đất liền.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nhận định rằng, COP26 phải là bước ngoặt đối với con người và hành tinh để ngăn chặn các hậu quả không thể đảo ngược với nhân loại. Một tín hiệu tích cực là trước thềm COP26, đã có hơn 100 quốc gia cam kết sẽ đạt mức trung hòa lượng phát thải CO2 bằng 0 vào năm 2050.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!