Lượng khí thải cao trước đây và hiện nay của các nước phát triển là tác nhân lớn dẫn đến biến đổi khí hậu. Các nước nghèo dù phát thải thấp nhưng lại phải hứng chịu nhiều hậu quả nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Việc các nước giàu đầu tư vào hành động nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu ở các nước mới nổi và đang phát triển là một vấn đề công bằng, vì lợi ích sống còn của toàn nhân loại.
Một loạt các cam kết hỗ trợ tài chính để giúp các nước đang phát triển ứng phó biến đổi khí hậu đã được đưa ra tại Hội nghị COP27.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte: "Hà Lan sẽ tăng mức đóng góp hàng năm cho tài chính khí hậu của các nước đang phát triển lên mức 1,8 tỷ Euro vào năm 2025. Chúng tôi sẽ tăng gấp đôi tài chính công cho thích ứng với biến đổi khí hậu. Mức tăng này sẽ bao gồm 100 triệu Euro đóng góp cho Chương trình Tăng tốc thích ứng châu Phi. Số tiền này cần được chuyển tới những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu".
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez: "Hôm nay, cùng với Senegal và với sự ủng hộ công ước chống sa mạc hóa của Liên Hợp Quốc, chúng tôi đã thành lập Liên minh quốc tế ứng phó với hạn hán. Tây Ban Nha đóng góp quỹ khởi đầu hoạt động trị giá 5 triệu Euro".
Các nước nghèo dù phát thải thấp nhưng lại phải hứng chịu nhiều hậu quả nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.
Ông James Cleverly - Bộ trưởng Ngoại giao và Phát triển Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland: "Tôi xin công bố khoản đóng góp 200 triệu bảng của Vương quốc Anh, tôi hy vọng nhiều nước khác sẽ cùng chung tay đóng góp. Quá trình hướng tới phát thải ròng bằng không trên toàn cầu sẽ cần tới sự đồng lòng của tất cả mọi người".
Các nước giàu được kỳ vọng sẽ chịu trách nhiệm chính về tài trợ tài chính khí hậu. Năm 2009, các nước này đã cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các quốc gia đang phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhưng trên thực tế, năm 2020, số tiền do các nước phát triển cùng huy động và đóng góp mới chỉ đạt hơn 83 tỷ USD.
Châu Phi là nơi có lẽ cần hỗ trợ tài chính nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác, bởi đây là châu lục kém phát triển nhất, chỉ tạo ra 4% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhưng lại phải hứng chịu một số hậu quả tồi tệ nhất của thời tiết ngày càng khắc nghiệt.
Ông Patrick V. Verkooijen - Giám đốc điều hành Trung tâm Toàn cầu về Thích ứng: "Các quốc gia châu Phi bày tỏ rõ rằng họ cần hỗ trợ tài chính để có thể thích ứng với tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Họ cần 51 tỷ USD mỗi năm, vậy hiện nay số tiền họ nhận được mỗi năm là bao nhiêu? 11 tỷ USD. Vậy là có một khoản thiếu hụt hàng năm khoảng 40 tỷ USD. Tương ứng với sự thiếu hụt ấy là những thiệt hại về tính mạng, sinh kế và suy giảm kinh tế".
Báo cáo mới công bố tại COP 27 cho biết, các nước đang phát triển và mới nổi, ngoại trừ Trung Quốc, sẽ cần khoản đầu tư khoảng 2.000 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 để giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và đối phó với các tác động của biến đổi khí hậu. Trong khi dòng tài chính quốc tế hướng tới các nước đang phát triển đang thấp hơn nhu cầu ước tính từ 5 đến 10 lần.
Tiềm năng phát triển năng lượng xanh tại châu Phi
Các nước đang phát triển cần nguồn tài chính khí hậu không chỉ để đối phó với các tác động của hiện tượng thời tiết cực đoan, các nước này còn cần tiền để đầu tư vào việc giảm phát thải khí nhà kính. Một trong các giải pháp được nhiều nước lựa chọn là loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, đầu tư vào năng lượng tái tạo. Châu Phi đang ngày càng chứng tỏ tiềm năng của mình trong việc phát triển năng lượng xanh.
Radio, sạc điện thoại, đèn thắp sáng,… những đồ gia dụng cơ bản trong nhà chị Favour Karimi đều sử dụng điện mặt trời. Đời sống của gia đình chị đã được cải thiện đáng kể từ khi sử dụng năng lượng mặt trời. Chị cho biết: "Đây là một sự thay đổi lớn. Trước đây chúng tôi phải trả mỗi ngày 55 shilling tiền điện, mà điện cũng lúc có lúc không. Nhưng với tấm pin mặt trời, nếu chúng tôi trả 55 shilling thì sẽ luôn có điện. Chúng tôi có điện để trẻ con trong nhà chuẩn bị đi học buổi sáng, lúc nào cũng có điện".
Hệ thống điện gia đình với tấm pin mặt trời trên mái nhà do một công ty có tên là D.Light cung cấp. Đại diện công ty cho biết, Kenya là thị trường lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Ấn Độ, về năng lượng mặt trời. Và tiềm năng của loại năng lượng xanh này ở châu Phi là rất lớn.
Ông Ned Tozun - Nhà đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty d.light: "Chúng tôi nhận thấy một sự thay đổi thực sự về nhận thức ở khu vực công, như việc chính phủ các nước nhận thấy lợi ích từ việc phân phối năng lượng mặt trời. Hay như việc năng lượng mặt trời có thể đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp năng lượng tới toàn bộ người dân".
Bên cạnh năng lượng mặt trời, thủy điện và điện gió cũng là những sự lựa chọn hoàn hảo tại lục địa châu Phi.
Tổng thống Kenya William K. Ruto nói: "Cơ hội sản xuất năng lượng xanh là rất lớn ở Kenya và khắp châu Phi. Ví dụ, chỉ riêng ở Đông Phi, có đủ tiềm năng thủy điện để sản xuất 100.000 MW, nếu được khai thác hợp lý, có thể tạo ra đủ năng lượng sạch cho toàn lục địa. Thay vì chật vật để cung cấp năng lượng cho công nghiệp hóa bằng năng lượng hóa thạch, vừa tốn kém lại phá hủy hành tinh của chúng ta, chúng tôi muốn trở thành nơi các nền kinh tế phát triển có thể hướng các khoản đầu tư công nghiệp đến và tận dụng năng lượng sạch để sản xuất cho toàn thế giới".
Với những sự đầu tư thích hợp, châu Phi có thể đóng vai trò quan trọng và tích cực trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nhờ nguồn tài nguyên về năng lượng tái tạo, cùng lực lượng lao động trẻ, năng động của mình.
Hội nghị COP27 sẽ tiếp tục diễn ra đến ngày 18/11 tới. Các chủ đề về tài chính khí hậu hay tài chính xanh được kỳ vọng sẽ tìm được tiếng nói chung trong các cuộc thảo luận của hơn 190 thành viên. Bởi để ứng phó hay thích ứng biến đổi khí hậu thành công, sẽ luôn cần một cam kết tài chính nhất định từ các nước phát triển.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!